Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Căn cứ pháp lý

  • Luật doanh nghiệp 2020;
  • Nghị định 01/2021/NĐ-CP

Tái cơ cấu doanh nghiệp là gì?

Tái cơ cấu doanh nghiệp là việc xem xét và cấu trúc lại một phần, một số phần hay toàn bộ một doanh nghiệp để doanh nghiệp gọn nhẹ hơn, dễ thích ứng hơn, linh hoạt và hiệu quả hơn. Phạm vi xem xét tái cơ cấu doanh nghiệp dựa trên các tiêu chí: mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ; tổ chức bộ máy và các quy trình thực hiện chức năng nhiệm vụ đã xác định.

Doanh nghiệp cần phải thay đổi cơ cấu nếu xuất hiện một trong các trường hợp sau đây:

  • Quản trị yếu kém (Nhân lực yếu, các bộ phận, phòng ban không phối hợp với nhau, người lãnh đạo không có khả năng quản lý, không giải quyết được các vấn đề của công ty,..) và kinh doanh không hiệu quả (Chiếc lược kinh doanh không rõ ràng, sản phẩm chất lượng kém, tiếp thị không hiệu quả,..).
  • Doanh nghiệp thay đổi về quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị như việc chuyển từ những máy móc sản xuất thủ công sang hiện đại.
  • Thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước khi cơ cấu lại nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế: khi chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc cam kết quốc tế ban hành dẫn đến nền kinh tế bị ảnh hưởng buộc doanh nghiệp phải tái cấu trúc để phù hợp với thực trạng và quy định pháp luật.
  • Khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế. Dựa trên tình hình chung của nền kinh tế hoặc khu vực doanh nghiệp đầu tư kinh doanh mà doanh nghiệp buộc phải tiến hành tái cấu trúc.
  • Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp.

Tái cơ cấu doanh nghiệp theo thủ tục M&A

M&A theo Luật doanh nghiệp

Mua bán và sáp nhập (M&A) là thuật ngữ bao gồm 2 hoạt động là Mergers (Sáp nhập) và Acquisitions (Mua lại). Theo đó, mua bán sáp nhập là hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp thông qua hình thức sáp nhập hay mua lại 1 phần (số cổ phần) hoặc toàn bộ doanh nghiệp khác.

Trình tự, thủ tục mua bán và sáp nhập (M&A) được thực hiện như sau:

1.Mua bán doanh nghiệp.

Việc mua bán doanh nghiệp chỉ đặt ra đối với doanh nghiệp tư nhân theo quy định tại Điều 192 Luật Doanh nghiệp (LDN) năm 2020. Theo đó, chủ doanh nghiệp tư nhân được phép bán doanh nghiệp của mình cho cá nhân khác và thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân như sau:

  • Bước 1: Người đã thỏa thuận và hoàn tất việc mua doanh nghiệp tư nhân phải nộp hồ sơ đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau: Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp có chữ ký của người bán và người mua doanh nghiệp tư nhân; Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người mua doanh nghiệp tư nhân; và Hợp đồng mua bán hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc mua bán.
  • Bước 2: Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

Trên thực tế, theo quy định của pháp luật không phải loại hình doanh nghiệp nào cũng có thể tiến hành mua bán được. Chỉ công ty tư nhân mới có quyền bán toàn bộ doanh nghiệp. Đối với loại hình khác như công ty cổ phần thì hình thức mua bán chủ yếu là giành quyền kiểm soát thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần. Còn đối với công ty trách nhiệm hữu hạn thì nhận chuyển nhượng vốn góp trong công ty để nắm quyền quản lý.

2.Sáp nhập doanh nghiệp

Thủ tục sáp nhập doanh nghiệp được thực hiện theo trình tự như sau:

  • Bước 1: Các công ty liên quan chuẩn bị hợp đồng sáp nhập và dự thảo Điều lệ công ty nhận sáp nhập. Hợp đồng sáp nhập phải gồm các nội dung chủ yếu sau: Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty nhận sáp nhập; Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị sáp nhập; Thủ tục và điều kiện sáp nhập; Phương án sử dụng lao động; Cách thức, thủ tục, thời hạn và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty nhận sáp nhập; thời hạn thực hiện sáp nhập.
  • Bước 2: Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của các công ty liên quan thông qua hợp đồng sáp nhập, Điều lệ công ty nhận sáp nhập và tiến hành đăng ký doanh nghiệp công ty nhận sáp nhập theo quy định của LDN năm 2020.
  • Bước 3: Hợp đồng sáp nhập phải được gửi đến tất cả chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua.
  • Bước 4: Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty bị sáp nhập đặt trụ sở chính gửi thông tin cho Cơ quan thuế. Cơ quan thuế có trách nhiệm gửi thông tin cho Phòng đăng ký kinh doanh về việc doanh nghiệp đã hoàn thành việc quyết toán và chuyển giao nghĩa vụ thuế. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin của Cơ quan thuế về việc công ty bị sáp nhập hoàn thành việc quyết toán và chuyển giao nghĩa vụ thuế, Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty bị sáp nhập đặt trụ sở chính thực hiện cập nhật tình trạng pháp lý đối với các công ty này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng chấm dứt tồn tại theo quy trình trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Nếu nội dung đăng ký doanh nghiệp của công ty nhận sáp nhập không thay đổi, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc sáp nhập doanh nghiệp, công ty nhận sáp nhập gửi thông báo bằng văn bản đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty nhận sáp nhập đặt trụ sở chính để thực hiện chấm dứt tồn tại của công ty bị sáp nhập

 

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!

Công ty Luật Hồng Bàng./.