Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

1. Hôn nhân đồng giới là gì?

Hôn nhân đồng giới hay hôn nhân đồng tính là hôn nhân giữa hai người có cùng giới tính sinh học. Hôn nhân đồng giới có khi còn được gọi là “hôn nhân bình đẳng” hay “bình đẳng hôn nhân”, thuật ngữ này thường được sử dụng phổ biến từ những người ủng hộ. Việc hợp pháp hoá hôn nhân đồng giới còn được mô tả bằng thuật ngữ “định nghĩa lại hôn nhân” từ các trường phái có quan điểm đối lập.

2. Hôn nhân đồng giới ở Việt Nam có được công nhận hay không ?

Hôn nhân đồng giới là vấn đề nhạy cảm rất cao không chỉ ở Việt Nam mà cả trên toàn thế giới, ngay cả với những nước phát triển.

Hôn nhân đồng giới là hôn nhân giữa hai người có cùng giới tính sinh học, đồng cảm, chia sẻ với nhau những khó khăn trong cuộc sống. Những người cùng giới tính họ cũng mong ước giống như người bình thường đó là được chung sống trong một gia đình với người mình yêu, được quan tâm, chăm sóc, do đó dẫn đến tình trạng kết hôn giữa những người cùng giới tính.

Trước đây, nếu theo Luật hôn nhân và gia đình 2000 thì việc kết hôn giữa những người đồng giới bị cấm. Từ 1/1/2015, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi năm 2014 có hiệu lực Quốc hội đã bỏ điều cấm này và thay bằng điều 8, khoản 2 là: “ Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Mặc dù Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 cấm kết hôn đồng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi năm 2014, bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” từ ngày 1 tháng 1 năm 2015. Tuy nhiên, Luật 2014 vẫn quy định “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” (khoản 2 Điều 8).[1] Theo báo Tuổi Trẻ, những người đồng giới tính vẫn có thể chung sống, nhưng pháp luật sẽ không xử lý khi giữa họ có tranh chấp xảy ra.

Không thừa nhận có nghĩa rằng pháp luật không cho phép người đồng giới đăng kí kết hôn tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay được coi như vợ – chồng với các quyền và nghĩa vụ tương ứng.

Như vậy, theo quy định trên thì hôn nhân đồng tính không còn bị cấm. Người đồng tính có thể tổ chức hôn lễ, chung sống với nhau nhưng dưới con mắt pháp luật thì không được coi như vợ chồng và không thể đăng kí kết hôn với cơ quan nhà nước.

Đây là kết quả của quá trình vận động và thảo luận xã hội trong suốt những năm qua, dẫn đến việc các nhà làm luật đã nhìn nhận tích cực hơn về quyền kết hôn, bình đẳng của người đồng tính và các cặp đôi cùng giới.

Bên cạnh đó, theo điều 8 Nghị định 87/2011/ NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình đã hết hiệu lực thì: “Phạt tiền 100.000 – 500.000 đồng với hành vi kết hôn giữa những người cùng giới tính”.

Hiện nay, theo Nghị định 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, Hôn nhân gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì Điều 48 có quy định về những hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng (mức phạt từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng) thì hành vi “kết hôn giữa những người cùng giới tính” đã được bãi bỏ.

3. Khi nào thì hôn nhân cùng giới được công nhận ở Việt Nam ?

Theo các thống kê được đưa ra, thì ước tính có khoảng 2,5 triệu người đồng tính ở Việt Nam. Con số đó không phải nhỏ, nhưng cũng chưa phải là lớn nếu so với quốc gia có số dân gần 90 triệu người.

Xã hội hiện nay đang nhìn nhận vấn đề này rất khác nhau. Nhiều người nhìn nhận vấn đề này liên quan đến quyền con người, thể hiện tính nhân văn, giảm kỳ thị của xã hội. Tuy nhiên, ở mặt khác của vấn đề, hôn nhân đồng giới được cho là không phù hợp thuần phong mỹ tục, truyền thống gia đình Việt Nam, không phù hợp quy luật sinh học và không bảo đảm chức năng gia đình về duy trì nòi giống. Điều quan trọng là việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới liệu sẽ dẫn đến bao nhiêu hệ lụy tiêu cực xã hội mà pháp luật chưa lường hết.

Việc cho phép và công nhận hôn nhân đồng giới không đơn giản đưa ra một quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là xong, mà còn phải xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định khác của hệ thống pháp luật. Ví dụ như bổ sung quy định giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính về quan hệ tài sản, xác định cha, mẹ, con và quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con… Theo các nguyên tắc quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo tính thống nhất, tính khả thi, phải vừa xuất phát từ thực tế khách quan vừa xuất phát từ bản chất.

4. Việt Nam có cho phép chuyển giới không ?

Thứ nhất, Theo thống kê của Bộ Y Tế đã được đăng tải trên một số báo trí uy tín thì số lượng người có nhu cầu chuyển đổi giới tính của Việt Nam từ 250.000 đến 300.000 người. Như vậy, đây là số lượng rất lớn phản án một nhu cầu thực tế của hiện trạng xã hội.

Thứ hai, trong những năm qua cùng với sự tuyên truyền của nhà nước xã hội đã nhìn nhận và dường như không còn có thái độ kỳ thị với người chuyển giới nữa. Điều này cũng được thể hiện trong quá trình lập pháp của Quốc hội cụ thể:

Theo quy định tại Điều 36 Bộ luật dân sự năm 2015 và nghị định số 88/2008/NĐ-CP ban hành ngày 05/08/2008 đã có quy định về quyền xác định lại giới tính:

“Điều 36: Quyền xác định lại giới tính

1. Cá nhân có quyền xác định lại giới tính.

Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.

2. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan. (Điều 37 Bộ luật dân sự năm 2015)

Như vậy, có thể nói cánh cửa cho phép việc chuyển đổi giới tính đã được mở, cho phép những người đã tiến hành chuyển đổi giới tính trước đó đăng ký lại giới tính thật của mình. Và mở ra việc xây dựng dự thảo luật về việc chuyển đổi giới tính cho phép những người có nhu cầu xác định lại giới tính thật có thể tiến hành theo quy định của pháp luật.

Việc đăng ký lại giới tính được quy định cụ thể tại Điều 3 Luật hộ tịch năm 2014 quy định cụ thể:

Điều 3. Nội dung đăng ký hộ tịch

2. Ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

c) Xác định lại giới tính…

Thứ ba, Vấn đề quan trọng nhất là ban hành những quy định chi tiết được quy định cụ thể trong một đạo luật về chuyển đổi giới tính đã được Bộ tư pháp trủ trì phối hợp với các Bộ chức năng (Bộ Y tế) để đưa ra dự thảo về luật chuyển đổi giới tính và tiến hành lấy ý kiến của người dân. Trong dự thảo này cũng lấy ý kiến về những vấn đề nhạy cảm nhất như: Độ tuổi được phép chuyển đổi giới tính là bao nhiêu (Trong dự thảo dự kiến là 18 tuổi), và tồn tại nhiều vấn đề pháp lý khác cần hướng dẫn chi tiết như: Có chính sách hỗ trợ tài chính với người chuyển giới không ? (Việc chuyển giới trên thực tế cũng rất tốn kém về tài chính) Cơ sở nào được phép chuyển giới (Phẫu thuật chuyển giới là một phẫu thuật phức tạp không phải cơ sở nào cũng có thể tiến hành)… Một lần nữa người chuyển giới vẫn phải chờ để có được quy định cụ thể và chi tiết hơn.

5. Những quốc gia nào trên thế giới đã công nhận hôn nhân đồng giới ?

Hôn nhân đồng giới có thể được thực hiện một cách đơn giản hoặc theo nghi thức tôn giáo. Nhiều cộng đồng tín ngưỡng trên thế giới đã cho phép hai người cùng giới kết hôn hoặc thực hiện hôn lễ cùng giới, ví dụ như: Phật giáo ở Đài Loan, Úc, Nhà thờ ở Thụy Điển, Giáo hội Presbyterian, Do Thái giáo bảo thủ, Giáo hội Thống Nhất Canada..

Trước khi công nhận hôn nhân đồng giới, nhiều nước đã có luật cho các cặp đồng tính đăng ký sống chung gọi là kết hợp dân sự, quy định quyền lợi và bổn phận của họ như Đan Mạch từ năm 1989, Na Uy năm 1993.

Năm 2019, trong số 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đã có 28 quốc gia/vùng lãnh thổ chính thức công nhận hôn nhân đồng giới, bao gồm: Áo Argentina, Bỉ, Bồ Đào Nha, Brasil, Canada, Colombia, Đan Mạch, Đài Loan, Đức, Ecuador, Hà Lan, Hoa Kỳ, Iceland, Ireland, Luxembourg, Malta, México (chỉ một số bang), Na Uy, Nam Phi, New Zealand (trừ Niue, Tokelau và Quần đảo Cook), Pháp, Phần Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Úc, Uruguay, Vương quốc Anh (trừ Bắc Ireland).

Tuy nhiên hiện tại vẫn có hơn 80 quốc gia/vùng lãnh thổ coi hành vi đồng tính luyến ái là tội phạm, một số còn áp dụng hình phạt tử hình đối với những người có hành vi đồng tính luyến ái. Số quốc gia/vùng lãnh thổ còn lai có chính sách trung dung, không coi đồng tính luyến ái là bất hợp pháp nhưng cũng không công nhận hôn nhân đồng tính.

MỌI THẮC MẮC QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN CHI TIẾT:

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG

Điện thoại: 0912 35 65 75 – 0968 35 65 75 (Luật sư Nhật Nam)

Tổng đài tư vấn trực tuyến: 1900 6575

Email: Lienheluathongbang@gmail.com

Địa chỉ: Tầng 2, Số 14 Nguyễn Văn Ngọc, Phường Cống Vị, quận Ba Đình, Tp. Hà Nội.