Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

1. Hộ kinh doanh có quyền nhập khẩu hàng hóa không ?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 04/2014/TT-BCT thì hộ kinh doanh có quyền nhập khẩu hàng hóa, cụ thể:

“1. Thương nhân không có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (dưới đây gọi tắt là thương nhân) bao gồm:

a) Doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật Đầu tư;

b) Hộ kinh doanh cá thể được thành lập, đăng ký kinh doanh theo Nghị định số 43/2010/NĐ-CPngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, được xuất khẩu, nhập khẩu, gia công, đại lý mua, bán hàng hóa theo quy định của pháp luật và trong phạm vi Nghị định số 187/2013/NĐ-CP không phụ thuộc vào ngành hàng, ngành nghề ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.”

Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì hộ kinh doanh cá thể được thành lập và đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật thì được thực hiện quyền nhập khẩu hàng hóa và được quyền kinh doanh xuất nhập khẩu bao gồm: xuất khẩu, nhập khẩu, gia công, đại lý mua, bán hàng hóa theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân có quyền nhập khẩu hàng hóa không ?

Theo quy định của pháp luật thì không có quy định cấm cá nhân không được nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 04/2014/TT-BCT nêu trên thì cá nhân không có quyền kinh doanh xuất nhập khẩu, tức là cá nhân không được phép đứng ra làm thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa về để bán hay kinh doanh mà chỉ được nhập khẩu hàng hóa phi mậu dịch. Hàng hóa phi mậu dịch (hàng hóa nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại) có thể là tài sản di chuyển hoặc quà biếu, quà tặng hoặc hàng hóa là hành lý cá nhân của người nhập cảnh gửi theo vận tải đơn, hàng hoá mang theo người của người nhập cảnh vượt tiêu chuẩn miễn thuế,… (Quyết định 3125/QĐ-TCHQ ) Cá nhân sẽ được làm thủ tục hải quan đối với những hàng hóa phi mậu dịch và những hàng hóa này nhập về sẽ không được kinh doanh.

Tuy nhiên, nếu cá nhân muốn mua hàng hóa để kinh doanh thì có thể sử dụng hình thức ủy thác cho một công ty có chức năng kinh doanh xuất nhập khẩu hoặc đại lý hải quan. Theo đó, công ty nhập khẩu ủy thác hoặc đại lý hải quan sẽ thay cá nhân làm thủ tục hải quan, cá nhân phải chịu các nghĩa vụ về thuế thông qua đơn vị nhận ủy thác.

Bên cạnh đó, Điều 5 Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định về người khai hải quan như sau:

“Người khai hải quan gồm:

1. Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trường hợp chủ hàng hóa là thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam thì phải thực hiện thủ tục hải quan thông qua đại lý làm thủ tục hải quan.

2. Chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hoặc người được chủ phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh ủy quyền.

3. Người được chủ hàng hóa ủy quyền trong trường hợp hàng hóa là quà biếu, quà tặng của cá nhân; hành lý gửi trước, gửi sau chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh.

4. Người thực hiện dịch vụ quá cảnh hàng hóa.

5. Đại lý làm thủ tục hải quan.

6. Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế trừ trường hợp chủ hàng có yêu cầu khác.”

Như vậy, cá nhân chỉ có thể làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa không nhằm mục đích thương mại (phi mậu dịch) và không được làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa cho mục đích kinh doanh.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!

Công ty Luật Hồng Bàng./.