1. Hiểu thế nào là hàng xách tay?
Mặc dù không khó để nghe hay bắt gặp cụm từ “hàng xách tay” nhưng thực tế chưa có quy định cụ thể nào định nghĩa hàng hóa xách tay. Do đó khi nói đến khái niệm hàng xách tay người ta đối chiếu sang định nghĩa của hàng nhập lậu được quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP. Theo đó có thể hiểu hàng hóa xách tay là:
- Hàng hóa nằm trong danh sách cấm hoặc tạm ngừng nhập khẩu;
- Hàng hóa không có giấy phép nhập khẩu hay giấy tờ cho phép lưu thông hàng hóa do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;
- Hàng hóa không làm thủ tục hải quan theo quy định hoặc nếu có thì làm một cách gian lận về chủng loại, số lượng hàng hóa.
- Hàng hóa lưu thông trên thị trường nhưng không có bất kỳ hóa đơn, chứng từ hoặc có nhưng không hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- Hàng hóa không có tem nhập khẩu hoặc được dán tem giả, tem đã qua sử dụng để qua mắt cơ quan chức năng và người tiêu dùng.
2. Vì sao kinh doanh hàng xách tay là bất hợp pháp?
Từ cách hiểu trên có thể thấy hàng xách tay là những sản phẩm nhập “chui” về Việt Nam, không thông qua hải quan, không nộp thuế,… hay nói cách khác là không hợp pháp khi bày bán trên thị trường Việt.
Bởi không hợp pháp nên không có giấy tờ thông quan, không có hóa đơn chứng từ mà chỉ có phiếu gửi hàng. Mà phiếu này không được coi là chứng từ nhập khẩu nên khi cơ quan chức năng bất ngờ kiểm tra nhiều chủ shop “tá hỏa” và “ngậm ngùi” rút tiền chịu phạt.
Nhận ra điều đó, nhiều người lựa chọn kinh doanh online thay vì mở cửa hàng buôn bán do pháp luật hiện chưa có quy định cụ thể về hoạt động này. Dù vậy, nếu tính hướng phát triển lâu dài, hợp pháp hóa hoạt động kinh doanh khi đã tích lũy được một khoản vốn nhỏ nhờ bán online là điều cần thiết mang tính bắt buộc.
3. Hợp pháp hóa kinh doanh sản phẩm nhập khẩu cần bổ sung các thủ tục pháp lý nào?
a. Bổ sung giấy phép đăng ký kinh doanh
Đây là giấy tờ kiêm thủ tục bắt buộc phải có dù bạn kinh doanh mặt hàng gì tại Việt Nam. Tùy vào mục đích và quy mô cửa hàng mà bạn có thể đăng ký theo hộ kinh doanh cá thể (phổ biến nhất) hoặc theo hình thức công ty cổ phần, công ty TNHH,… Nội dung cần làm rõ trong giấy đăng ký gồm:
- Tên cửa hàng và địa chỉ đặt cửa hàng kinh doanh.
- Ngành nghề kinh doanh, có thể ghi nhiều ngành nghề nhưng phải có ngành nghề bao trùm của sản phẩm xách tay đó.
- Số vốn điều lệ.
- Thông tin cá nhân thành lập/ người đại diện thành lập hộ kinh doanh, công ty kinh doanh (họ, tên, chứng minh thư nhân dân ghi rõ số và ngày cấp, địa chỉ nơi ở và chữ ký).
- Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh.
b. Bổ sung các chứng từ nhập khẩu sản phẩm
Sản phẩm từ nước ngoài khi muốn nhập khẩu về Việt Nam một cách hợp pháp sẽ cần thông qua hải quan. Theo đó bạn sẽ cần tiến hành khai báo hải quan tại cửa khẩu khi hàng hóa cập bến.
c. Nộp đủ các khoản thuế đối với hàng hóa nhập khẩu về Việt Nam
Quyết định kinh doanh hợp pháp đồng nghĩa với việc tuân thủ các khoản thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam. Bạn sẽ cần phải nộp các khoản thuế sau:
- Thuế nhập khẩu hàng hóa theo quy định;
- Thuế giá trị gia tăng theo quy định;
- Lệ phí hải quan theo quy định.
Trường hợp nhập hàng hóa từ nước ngoài về được miễn thuế, lệ phí khi đó là khi:
- Hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh hoặc số tiền thuế phải nộp dưới 100 nghìn đồng.
- Hàng hóa xuất/nhập khẩu dưới 500 nghìn đồng gửi thông thường hoặc số tiền thuế cần đóng dưới 50 nghìn đồng.
- Là hàng viện trợ nhân đạo không hoàn lại; quà tặng cho các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân,…; quà tặng vì mục đích từ thiện, nhân đạo đựng trong hành lý mang theo người; hàng bưu phẩm, bưu kiện được miễn thuế theo quy định.
- Hàng hóa trao đổi, mua bán của cư dân biên giới giữa 2 nước theo quy định.
- Hàng hóa, phương tiện quá cảnh được miễn thuế theo quy định.
d. Bổ sung giấy công bố sản phẩm nhập khẩu
Để chuyển từ kinh doanh “chui” hàng xách tay sang kinh doanh hợp pháp sản phẩm nhập khẩu bạn cần bổ sung thêm thủ tục công bố sản phẩm. Bởi sự khác nhau giữa một sản phẩm chuẩn, rõ nguồn gốc với một sản phẩm nhái, kém chất lượng trôi nổi trên thị trường nằm ở khâu này.
Theo nghị định số 15/2018/NĐ-CP mọi sản phẩm nhập khẩu trước khi tiến hành lưu thông trên thị trường sẽ cần đăng ký công bố sản phẩm, công bố tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm hoặc đăng ký lưu hành mỹ phẩm nhập khẩu với cơ quan chức năng. Nếu không thực hiện, đơn vị kinh doanh sẽ chịu mức phạt hành chính từ 40-50 triệu đồng khi cơ quan chức năng kiểm tra.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.