Mang thai hộ là nội dung nổi bật tại Luật hôn nhân và gia đình được Quốc hội thông qua ngày19/06/2014 và.Luật bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực ngày 1/1/2016 cũng đã có quy định cụ thể về chế độ thai sản với lao động nữ mang thai hộ.
1. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, điều kiện và hồ sơ đề nghị mang thai hộ.
Mang thai hộ có hai trường hợp là mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại.
+ Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Theo quy định tại Khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.
Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra.
+ Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Điều 95 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
– Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
– Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; Vợ chồng đang không có con chung; Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
– Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây: Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
– Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
+ Hồ sơ đề nghị
Cặp vợ chồng vô sinh gửi hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật này, bao gồm:
– Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ (theo mẫu);
– Bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (theo mẫu);
– Bản cam đoan của người đồng ý mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào;
– Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của vợ chồng nhờ mang thai hộ xác nhận;
– Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi và người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
– Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận phôi và đã từng sinh con;
– Bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này;
– Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ (trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng) về việc đồng ý cho mang thai hộ.
– Bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sỹ sản khoa;
– Bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên;
– Bản xác nhận nội dung tư vấn về pháp luật của luật sư hoặc luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý;
– Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo quy định tại Mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Các chế độ, trợ cấp về thai sản mà người mang thai hộ được hưởng theo quy định của pháp luật.
2.1. Chế độ nghỉ thai sản trong thời gian mang thai
CSPL: Điều 32, Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
– Được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày.Trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai hộ có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.
– Trường hợp khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:
a) 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi.
b) 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi.
c) 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi.
d) 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
Lưu ý: Ngày nghỉ trên bao gồm cả ngày nghỉ lễ, tết và nghỉ hàng tuần.
2.2. Chế độ trợ cấp với lao động nữ khi sinh
Lao động nữ mang thai hộ khi sinh con mà có đủ điều kiện quy định tại mục 1 thì được hưởng các chế độ sau:
– Trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ mang thai hộ sinh con;
– Nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến ngày giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ như sau: Nghỉ trước và sau khi sinh con là 06 tháng, trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Tối đa không quá 02 tháng
– Sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa hồi phục thì lao động nữ mang thai hộ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định tại Điều 41 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Điều 41. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản
1. Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
2. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều này do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:
a) Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;
b) Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;
c) Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.
3. Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.