Nhà thầu nước ngoài chỉ được hoạt động xây dựng tại Việt Nam sau khi được cấp giấy phép hoạt động xây dựng. Vậy trình tự cấp Giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài được quy định như thế nào?
1. Điều kiện cấp Giấy phép hoạt động xây dựng
Nhà thầu nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động xây dựng khi đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 38 Điều 1 Nghị định 100/2018/NĐ-CP, như sau:
– Đã có quyết định trúng thầu hoặc được chọn thầu của chủ đầu tư;
– Có đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc nhận thầu theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Lưu ý: Nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ công việc nào của gói thầu.
Nhà thầu nước ngoài phải cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến hoạt động nhận thầu tại Việt Nam.
2. Hồ sơ đề nghị, thẩm quyền cấp phép
Căn cứ theo quy định tại Điều 72 Nghị định 59/2015/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị và cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động xây dựng như sau:
a. Thành phần hồ sơ
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động xây dựng, gồm:
– Đơn đề nghị cấp Giấy phép hoạt động xây dựng (theo mẫu do Bộ Xây dựng quy định);
– Bản sao có chứng thực văn bản về kết quả đấu thầu hoặc quyết định chọn thầu hợp pháp;
– Bản sao có chứng thực Giấy phép thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với tổ chức và chứng chỉ hành nghề (nếu có) của nước nơi mà nhà thầu nước ngoài mang quốc tịch cấp;
– Hợp đồng liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc hợp đồng chính thức hoặc hợp đồng nguyên tắc với nhà thầu phụ Việt Nam để thực hiện công việc nhận thầu (đã có trong hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ chào thầu);
– Giấy ủy quyền hợp pháp đối với người không phải là người đại diện theo pháp luật của nhà thầu.
b. Thẩm quyền cấp phép
Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động xây dựng được quy định như sau:
– Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài thực hiện hợp đồng của dự án nhóm A, dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn hai tỉnh trở lên;
– Sở Xây dựng cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài thực hiện hợp đồng của dự án nhóm B, nhóm C được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh.
3. Trình tự thực hiện
Cơ quan chuyên môn cấp Giấy phép hoạt động xây dựng cho người yêu cầu theo trình tự quy định tại Điều 73 Nghị định 59/2015/NĐ-CP. Cụ thể:
Nhà thầu nước ngoài nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 1 bộ hồ sơ tới cơ quan cấp Giấy phép hoạt động xây dựng.
Cơ quan chuyên môn xem xét hồ sơ để cấp Giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Trường hợp không cấp, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động xây dựng phải trả lời bằng văn bản cho nhà thầu và nêu rõ lý do.
Lưu ý: Khi nhận Giấy phép hoạt động xây dựng, nhà thầu nước ngoài phải nộp lệ phí theo quy định tại Thông tư 172/2016/TT-BTC với mức thu là 2.000.000 đồng/năm.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.