Tạm nhập, tái xuất hàng hóa là việc hàng hóa được đưa từ nước ngoài hoặc từ các khu vực đặc biệt trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật vào Việt Nam; có làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam. Tùy từng loại hàng hóa mà được quy định về trình tự thủ tục và cơ quan quản lý cấp phép khác nhau.
Quy định chung về hoạt động tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc quản lý của Bộ Công thương:
Doanh nghiệp được quyền kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh, không phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất của Bộ Công Thương, trừ hàng hóa thuộc phụ lục I, II và trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 11/2017/TT-BCT ngày 28 tháng 07 năm 2017 của Bộ Công Thương.
Hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc Phụ lục III, IV, V thực hiện theo các điều kiện quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 Nghị định số 77/2016/NĐ-CP. Thương nhân không được phép ủy thác hoặc nhận ủy thác tạm nhập, tái xuất.
Hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc diện cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, doanh nghiệp phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất của Bộ Công Thương. Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép tạm nhập, tái xuất quy định tại Chương III Thông tư này.
Thủ tục xin cấp Giấy phép tạm nhập, tái xuất đối với hàng hóa thuộc loại hình kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện:
Thương nhân nộp 01 bộ hồ sơ tới Cục xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương;
Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của thương nhân, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu thương nhân bổ sung;
Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cấp Giấy phép tạm nhập, tái xuất và chuyển cho thương nhân. Trường hợp không cấp Giấy phép, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trường hợp doanh nghiệp đề nghị tái xuất hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trong khu kinh tế của khẩu và cửa khẩu phụ ngoài khu kinh tế cửa khẩu do Ủy ban nhân dân tỉnh công bố, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương chỉ xem xét cấp Giấy phép tạm nhập, tái xuất cho các doanh nghiệp được Ủy ban nhân dân tỉnh lựa chọn theo quy định tài Khoản 4 Điều 5 Thông tư số 11/2017/TT-BCT ngày 28 tháng 07 năm 2017 của Bộ Công Thương.
Hồ sơ cấp Giấy phép tạm nhập, tái xuất
Tùy từng loại hàng hóa tạm nhập, tái xuất, thương nhân chuẩn bị một bộ hồ sơ, gồm những văn bản, tài liệu cơ bản sau:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép tạm nhập, tái xuất (theo mẫu);
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (hoặc Mã số tạm nhập, tái xuất đối với trường hợp doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng đã qua sử dụng thuộc Phụ lục V, Thông tư 11/2017/TT-BCT);
- Hợp đồng nhập khẩu và hợp đồng xuất khẩu (hoặc hợp đồng khác) do doanh nghiệp ký với khách hàng nước ngoài;
- Báo cáo tình hình thực hiện Giấy phép tạm nhập, tái xuất đã được cấp, có xác nhận của cơ quan hải quan (theo mẫu); Hoặc văn bản chấp thuận của Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành về việc thương nhân tạm nhập, tái xuất hàng hóa đó.
Ngoài ra, đối với những hàng hóa có điều kiện đặc biệt, doanh nghiệp/thương nhân phải đáp ứng các điều kiện về vốn, cơ sở vật chất khác để đảm bảo cho việc lưu giữ, vận chuyển và tiến hành hoạt động tạm nhập, tái xuất.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Mr Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 24/7: 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.