Hiện nay việc một người ký kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động không còn là điều mới mẻ trong cuộc sống. Pháp luật không cấm việc người lao động được ký 2 hợp đồng lao động trở lên. Vấn đề bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp sẽ được giải quyết thế nào nếu người lao động ký hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhận được nhiều sự quan tâm của người lao động và cả doanh nghiệp – người sử dụng lao động. Hiểu được những vướng mắc của khách hàng, Luật Hồng Bàng xin gửi tới quý khách hàng tư vấn về việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động ký 2 hợp đồng lao động trở lên.
1.Căn cứ pháp lý
- Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13;
- Nghị định 44/2013/NĐ-CP;
- Quyết định 595/QĐ-BHXH;
- Thông tư 30/2013/TT-BLĐTBXH.
2. Quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động
Khi ký kết từ hai hợp đồng lao động trở lên, người lao động phải có trách nhiệm thông báo và gửi các giấy tờ liên quan như bản sao hợp đồng lao động còn lại, thẻ bảo hiểm y tế…. cho người sử dụng lao động khác biết. Căn cứ vào khoản 1 Điều 42 Quyết định 595/QĐ – BHXH quy định: “Người lao động đồng thời có từ 02 HĐLĐ trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH, BHTN theo HĐLĐ giao kết đầu tiên, đóng BHYT theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất, đóng BHTNLĐ, BNN theo từng HĐLĐ“.
a. Đối với Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
Đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Căn cứ tại khoản 1 điều 3 Thông tư 30/TT-BLĐTBXH thì hợp đồng giao kết đầu tiên được hiểu là hợp đồng ký kết đầu tiên trong số hợp đồng lao động mà người lao động tham gia ký kết.
Trách nhiệm của người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại thì là phải chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.
Khi hợp đồng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chấm dứt hoặc thay đổi mà người lao động và người sử dụng lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp của hợp đồng lao động kế tiếp có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
b. Đối với bảo hiểm y tế
Khác với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp thì việc xác định nơi tham gia bảo hiểm y tế lại phụ thuộc vào mức lương của hợp đồng lao động, theo đó bảo hiểm y tế được đóng theo hợp đồng lao động có mức lương cao nhất.
Người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Khi hợp đồng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc chấm dứt hoặc thay đổi mà người lao động và người sử dụng lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc thì người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc của hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất trong số các hợp đồng còn lại có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
c. Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì tất cả các hợp đồng lao động mà người lao động ký kết đều phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Với đội ngũ Luật sư và chuyên viên pháp lý cao cấp, chúng tôi luôn tự tin sẽ mang lại cho khách hàng dịch vụ hoàn hảo, chuyên nghiệp, uy tín. Khách hàng hãy liên hệ ngay với Công ty chúng tôi theo địa chỉ sau khi muốn tiến hành thủ tục đăng ký biện pháp giao dịch bảo đảm.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn việc đóng bảo hiểm bắt buộc khi người lao động ký kết hai hợp đồng lao động trở lên, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.