Bồi thường thiệt hại là một chế định quan trọng trong luật Dân sự, theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác“. Trong quá trình làm việc thì người lao động không thể tránh khỏi do sơ suất mà làm hư hỏng tài sản của công ty. Vậy trong trường hợp do sơ suất làm hư hỏng tài sản của công ty thì pháp luật quy định trách nhiệm của người lao động trong việc bồi thường thiệt hại cho công ty được quy định như thế nào? Hiểu được vấn đề này, Công ty luật Hồng Bàng với đội ngũ luật sư có kinh nghiệm và chuyên môn cao gửi tới Quý khách hàng tư vấn về Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi người lao động làm mất, hư hỏng tài sản của công ty.
1.Cơ sở pháp lý
- Bộ luật Lao động năm 2012;
- Nghị định 05/2015/NĐ-CNP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động
2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi người lao động làm hư hỏng, mất mát tài sản của công ty
Theo khoản 1 điều 130 Bộ luật Lao động năm 2012 thì “Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật“, Tùy từng trường hợp căn cứ vào lỗi, mức độ gây thiệt hại mà người sử dụng lao động sẽ có những biện pháp xử lý khác nhau khác nhau. Căn cứ khoản 1 điều 126 Bộ luật Lao động năm 2012, nếu người lao động có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động thì sẽ bị xử lý kỷ luật sa thải.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người lao động đối với người sử dụng lao động thì được quy định chi tiết tại điều 32 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, Theo đó thì xảy ra các trường hợp sau:
- Trường hợp 1: Nếu do sơ suất người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị với giá trị thiệt hại thực tế không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng áp dụng tại nơi người lao động làm việc do Chính phủ công bố thì Người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương ghi trong hợp đồng lao động của tháng trước liền kề trước khi gây thiệt hại bằng hình thức khấu trừ hằng tháng vào lương, đảm bảo mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập.
- Trường hợp 2: Nếu thuộc các trường hợp sau: (1) Do sơ suất làm hư hỏng dụng cụ thiết bị với giá trị thiệt hại thực tế từ 10 tháng lương tối thiểu vùng trở lên áp dụng tại nơi người lao động làm việc do Chính phủ công bố; (2) Làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao; (3)Tiêu hao vật tư quá định mức cho phép của người sử dụng lao động thì người lao động phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường.
- Trường hợp 3: Trường hợp người lao động gây thiệt hại cho người sử dụng lao động thuộc trường hợp 2 mà có hợp đồng trách nhiệm với người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm.
- Trường hợp 4: Trường hợp thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa hoặc do sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù người sử dụng lao động đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì người lao động không phải bồi thường.
Ngoài ra, nếu người lao động cố ý là hư hỏng, mất mát tài sản của công ty và đủ điều kiện để khởi tố theo điều 178: Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản Bộ luật Hình sự năm 2015 thì người lao động có thể bị truy tố hình sự
Trên đây là những ý kiến tư vấn về vấn đề mà quý khách hàng quan tâm.
MỌI THẮC MẮC QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN CHI TIẾT:
CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG
Điện thoại: 0912 35 65 75 – 0968 35 65 75 (Luật sư Nhật Nam)
Tổng đài tư vấn trực tuyến: 1900 6575
Email: Lienheluathongbang@gmail.com