Căn cứ pháp lý
- Thông tư 95/2015/TT-BTC
- Thông tư 219/2013/TT-BTC
- Thông tư 78/2014/TT-BTC
- Thông tư 95/2016/TT-BTC
1. Tiêu hủy hàng hóa là gì?
– Tiêu hủy hàng hóa là xử lý một loại hàng hóa nào đó bằng các phương pháp tiêu hủy đúng theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo hàng hóa không sử dụng lại với mục đích ban đầu.
– Như đã trao đổi ở trên tiêu hủy hàng hóa chủ yếu vì một số lý do sau:
+ Hàng hóa, nguyên liệu hết hạn sử dụng ghi trên các giấy tờ có giá trị chứng minh thời hạn sử dụng và phải căn cứ vào các quy định của pháp luật khác (nếu có) kèm theo;
+ Hủy hàng do tạm nhập về sản xuất theo hình thức tạm nhập tái xuất nhưng nguyên liệu nhập về dư hoặc không sản xuất hàng hóa đó;
+ Hàng hóa không được lưu hành trên thị trường, hàng hóa có vi phạm về thuế, xuất nhập khẩu;
+ Doanh nghiệp chủ động hủy hàng do dừng bán dòng sản phẩm trên thị trường, trong quá trình sản xuất bị lỗi mà cần phải tiêu hủy hàng hóa bị lỗi đó;
+ Hàng hóa bị hư hại vì nguyên nhân, sự cố khách quan như do sự cố cháy nổ, lũ lụt, thiên tai, hỏa hoạn khiến cho công năng sử dụng của hàng hóa mất đi, thay đổi hoặc không đáp ứng được các tiêu chuẩn và cần phải loại bỏ.
Ví dụ: Thịt, cá, bánh kẹo và những sản phẩm tươi sống là những loại hàng hóa dễ hết hạn sử dụng nhất. Còn đối với sản phẩm lỗi có thể kể đến giày dép, quần áo, …
– Tùy thuộc vào các loại hàng hóa và ảnh hưởng của hàng hóa đó khi tiêu hủy để đảm bảo sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Các phương pháp tiêu hủy hàng hóa có thể kể đến như:
+ Nếu hàng hóa thuộc loại hóa mỹ phẩm – thực phẩm có trạng thái lỏng thì có thể áp dụng giải pháp xử lý nước thải; nếu ở trạng thái rắn có thể thực hiện cắt hủy hình dạng, đối với những bộ phận có thể tái chế thì xử lý và chuyển giao cho đơn vị có chức năng để tái chế (giấy, nhựa, …), vật liệu không thể tái chế sẽ hóa rắn hoặc chôn lắp, đối với trạng thái cả rắn và lỏng sẽ áp dụng đồng thời các biện pháp trên để đảm bảo tối đa hiệu quả xử lý và không ảnh hưởng đến môi trường.
+ Nếu hàng hóa là các sản phẩm chăn nuôi (thịt các loại gia súc) sẽ áp dụng thiêu đốt và quản lý như chất thải.
+ Nếu hàng hóa là vải, quần áo, giày dép, găng tay, đồ bảo hộ sẽ áp dụng giải pháp cắt hủy hình dạng và chuyển giao đồng xử lý hoặc đốt.
+ Nếu hàng hóa là hạt giống áp dụng biện pháp chôn lấp/đốt.
+ Nếu hàng hóa là bao bì cũng sẽ áp dụng giải pháp cắt hủy hình dạng chuyển giao đồng xử lý hoặc đốt.
+ Nếu hàng hóa thuộc nhóm hàng hóa có thể tái chế (nhựa, thạch cao, …) có thể áp dụng song song hủy hình dạng và tái chế hoặc hủy hình dạng san lấp mặt bằng.
2. Tiêu hủy hàng hóa hết hạn sử dụng.
– Hàng hóa hết hạn sử dụng được hiểu là loại hàng hóa đã từng là thành phẩm trong quá trình kinh doanh sản xuất. Tuy nhiên vì một lý do nào đó dẫn đến chúng không thể kịp thời tiêu thụ dẫn đến tình trạng hết hạn sử dụng.
– Phần lớn chúng ta thường xem nhẹ vấn đề này và việc xử lý hàng hóa hết hạn sử dụng cũng hết sức đơn giản chủ yếu là thường thải thông qua bãi rác hay thậm chí là chôn xuống đất không theo quy trình dẫn đến ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe con người, cụ thể như sau:
+ Đối với môi trường: hàng hóa hết hạn sử dụng khi bị thải ra môi trường không đúng quy định có thể làm tắc nghẽn mạch lưu thông của nguồn nước, gây ảnh hưởng đến không khí và môi trường xung quanh, khiến cho vi khuẩn tồn đọng gây ô nhiễm, biến đổi tính chất của đất khi bị chôn dưới lòng đất.
+ Đối với sức khỏe con người: những người sống trong môi trường ô nhiễm có thể bị mắc rất nhiều loại bệnh liên quan đến hô hấp, tim mạch, da liễu, …
3. Thủ tục tiêu hủy hàng hóa hết hạn sử dụng.
– Việc xử lý tiêu hủy hàng hóa hết hạn sử dụng là một trong những khâu quan trọng trong mỗi doanh nghiệp có hàng hóa hết hạn sử dụng.
– Về vấn đề này tại điểm b và điểm c khoản 2.1 Điều 4 của Thông tư 95/2015/TT-BTC ban hành ngày 22/06/2015 theo đó như sau:
+ Hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, không được bồi thường thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Hồ sơ đối với trường hợp trên được tính vào chi phí được trừ như sau:
- Biên bản kiểm kê giá trị hàng hóa bị hư hỏng do doanh nghiệp lập.
- Biên bản kiểm kê giá trị hàng hóa hư hỏng phải xác định rõ giá trị hàng hóa bị hư hỏng, nguyên nhân hư hỏng, chủng loại, số lượng, giá trị hàng hóa có thể thu hồi được (nếu có) kèm theo bảng kê xuất nhập tồn hàng hóa bị hư hỏng có xác nhận do đại diện hợp pháp của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
- Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có).
- Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có).
Tất cả các hồ sơ nêu trên được lưu tại doanh nghiệp và xuất trình với cơ quan thuế khi cơ quan thuế yêu cầu.
– Thủ tục nếu doanh nghiệp có hàng hóa hết hạn sử dụng cần phải tiêu hủy thì nộp hồ sơ cho cơ quan thuế để làm căn cứ trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như sau:
+ Bước 1: Doanh nghiệp nộp hồ sơ chứng minh hàng hóa hết hạn sử dụng cho cho quan thuế. Lưu ý: Thời hạn nộp phải trước thời điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế.
+ Bước 2: Doanh nghiệp lập biên bản kiểm kê và lưu tại doanh nghiệp để giải trình về sau.
+ Bước 3: Thành ập hội đồng tiêu hủy hàng hóa hết hạn sử dụng (nếu hủy) hoặc quyết định thanh lý (nếu thanh lý).
– Hội đồng tiêu hủy hàng hóa hết hạn sử dụng gồm có:
+ Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp;
+ Nhân viên công ty có chuyên môn hoặc phụ trách về việc xử lý hàng hóa;
+ Người đại diện đơn vị có chức năng tiêu hủy hàng hóa;
+ Người chứng kiến của cơ quan có chức năng có liên quan.
Sau khi hoàn thành tiêu hủy thì lập biên bản tiêu hủy để lưu tại doanh nghiệp.
– Về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng hóa hết hạn sử dụng sẽ xử lý như sau: Căn cứ vào khoản 1 Điều 14 của Thông tư 219/2013/TT-BTC thì đối với hàng hóa hết hạn sử dụng nếu không được bồi thường thiệt hại thì vẫn được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
– Hồ sơ hủy hàng hóa hết hạn sử dụng (đối với hàng tồn kho hết hạn sử dụng) gồm:
+ Giấy đề nghị hủy hàng tồn kho đã hết hạn sử dụng;
+ Biên bản kiểm tra hàng tồn kho đã hết hạn sử dụng
+ Quyết định cho phép hủy hoặc thanh lý hàng đã hết hạn sử dụng của lãnh đạo công ty;
+ Biên bản tiêu hủy hàng có chữ ký của các bên liên quan.
Như vậy, Thủ tục cần làm với cơ quan thuế khi tiêu hủy hàng hóa thì áp dụng theo quy đinh tại Thông tư 78/2014/TT-BTC, Thông tư 95/2016/TT-BTC hướng dẫn chi tiết Luật thuế thu nhập doanh nghiệp thì hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, không được bồi thường thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Hồ sơ nêu trên được lưu tại doanh nghiệp và xuất trình với cơ quan thuế khi cơ quan thuế yêu cầu.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.