Căn cứ pháp lý
- Luật doanh nghiệp 2020
- Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT
- Nghị định 122/2021/NĐ-CP
1. Doanh nghiệp có được dừng kinh doanh không ?
Doanh nghiệp có quyền Tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm; Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh; Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn; Tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng; Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu; Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động; Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh; được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp; Từ chối yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật; Khiếu nại, tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật; Quyền khác theo quy định của pháp luật.
Có thể hiểu là doanh nghiệp quyền tự chủ về hoạt động kinh doanh, bao gồm cả hoạt động hay không hoạt động kinh doanh.
Thành lập doanh nghiệp là để hoạt động nhưng có một vài lý do dẫn đến việc dừng hoạt động kinh doanh hay không hoạt động kinh doanh. Một số nguyên nhân điển hình: Gặp khó khăn do điều kiện khách quan: dịch bệnh, thiên tai, cháy nổ; Chưa đủ điều kiện để thực hiện hoạt động kinh doanh (chưa đủ kiến thức về nhân lực quản trị doanh nghiệp, tài chính; không đủ nguồn lực về vốn; không đủ nguồn khách hàng; không có chiến lược cụ thể và lâu dài); Doanh nghiệp được thành lập nhằm phục vụ cho một mục đích khác.
2. Không kinh doanh có cần thông báo không ?
Việc ngừng kinh doanh có thể thuộc một trong hai trường hợp là doanh nghiệp chủ động ngừng hoạt động hoặc tạm ngừng, đình chỉ, chấm dứt kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể trách nhiệm về việc thông báo tạm ngừng hoạt động như sau:
– Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
– Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh trong trường hợp sau đây:
+ Tạm ngừng hoặc chấm dứt kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật;
+ Tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan;
+ Đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh một, một số ngành, nghề kinh doanh hoặc trong một số lĩnh vực theo quyết định của Tòa án.
– Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.
3. Thủ tục đăng ký tạm ngừng kinh doanh
– Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đặt trụ sở chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo. Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có nhu cầu tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn đã thông báo thì phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh.
Thông báo thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh/tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo của doanh nghiệp/ chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh theo mẫu Phụ lục II-19 (ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp)
Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá một năm.
– Trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, kèm theo thông báo phải có nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc tạm ngừng kinh doanh.
– Sau khi nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp giấy xác nhận về việc doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký tạm ngừng kinh doanh, giấy xác nhận về việc doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
– Trường hợp doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp và tình trạng của tất cả các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng tạm ngừng kinh doanh.
(Doanh nghiệp có thể đề nghị đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo đồng thời với đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đồng thời với tình trạng của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp).
4. Rủi ro khi không kinh doanh
Căn cứ theo quy định về các trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Luật doanh nghiệp 2020 Cụ thể các trường hợp sau sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
+ Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo;
+ Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật doanh nghiệp 2020 thành lập;
+ Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế;
+ Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 216 của Luật doanh nghiệp 2020 đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản;
+ Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật.
Tóm lại là trường hợp công ty ngừng hoạt động mà không thức hiện thủ tục thông báo đến Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế từ 1 năm trở lên thì có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Từ đó có thể dẫn đến giải thể doanh nghiệp vì bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Ngoài ra doanh nghiệp còn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư
Cụ thể là doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn đến cơ quan đăng ký kinh doanh về thời điểm và thời hạn tạm dừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh;
Đồng thời doanh nghiệp còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thông báo về thời điểm và thời hạn tạm dừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong trường hợp không thông báo.