Mức phạt hành chính hành vi hối lộ trong hoạt động kiểm toán tại Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15 là bao nhiêu?
Căn cứ pháp lý:
– Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15
– Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012
Mức phạt hành chính hành vi hối lộ trong hoạt động kiểm toán
Tại khoản 1 Điều 12 Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15 thì cá nhân hành vi mua chuộc, hối lộ tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá dưới 2.000.000 đồng cho Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Lưu ý: Tổ chức có cùng hành vi vi phạm trên thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, tức sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. (Khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15)
Trường hợp cá nhân trực tiếp đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn trong hoạt động kiểm toán (như Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán) với tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hối lộ theo Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội danh này.
Đối tượng bị xử phạt hành chính hành vi hối lộ trong hoạt động kiểm toán
Theo Điều 4 Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15, các đối tượng bị xử phạt hành chính hành vi hối lộ trong hoạt động kiểm toán bao gồm:
(1) Cá nhân quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thực hiện hành vi hối lộ trong hoạt động kiểm toán:
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.
- Cá nhân nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
(2) Tổ chức quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thực hiện hành vi hối lộ trong hoạt động kiểm toán.
- Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra;
- Tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
(3) Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.