Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là ai? Được quy định như thế nào? Công ty Luật Hồng Bàng xin gửi tới quý khách hàng bài viết về Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, mọi thắc mắc xin liên hệ tới tổng đài 1900 6575 để biết thêm chi tiết.
I – Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được quy định rõ trong Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014, cụ thể như sau:
“Điều 13. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.
- Trường hợp hết thời hạn ủy quyền theo khoản 3 Điều này mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì thực hiện theo quy định sau đây:
- a) Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại làm việc tại doanh nghiệp;
- b) Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của công ty trở lại làm việc tại công ty hoặc cho đến khi chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, quyết định cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
- Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.
- Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty bị tạm giam, kết án tù, trốn khỏi nơi cư trú, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị Tòa án tuyên tước quyền hành nghề vì phạm tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khác hàng và tội khác theo quy định của Bộ luật hình sự thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty.
- Trong một số trường hợp đặc biệt, Tòa án có thẩm có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật trong quá trình tố tụng tại Tòa án.”
Có thể hiểu, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là những người đại diện cho doanh nghiệp để ký kết giấy tờ, ký kết hợp đồng và làm cho hợp đồng kinh doanh có tính pháp lý và được bảo vệ trước pháp luật.
II – Điều kiện để trở thành người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Người đại diện theo pháp luật có thể là cá nhân:
– Trên 18 tuổi, có đủ năng lực hành vi dân sự và không bị cấm tại Luật Doanh nghiệp.
– Đến từ bất cứ đâu, không phân biệt nơi lưu trú, quốc tịch. Được xác nhận thường trú tại Việt Nam. Nếu là người nước ngoài thì người đó phải ở Việt Nam trong suốt thời hạn của nhiệm kỳ và phải có Thẻ tạm trú theo quy định của pháp luật.
Các chức danh trong doanh nghiệp có thể làm người đại diện theo pháp luật bao gồm: Chủ sở hữu công ty, Chủ tịch hội đồng thành viên, Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng giám đốc, phải có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh hoặc trong ngành, nghề kinh doanh chính của công ty.
III – Một người có thể làm Người đại diện theo pháp luật của mấy công ty?
– Việc bổ nhiệm, thuê Tổng Giám đốc/ Giám đốc của doanh nghiệp là công việc nội bộ của doanh nghiệp. Do đó, việc thuê ai làm Tổng Giám đốc/ Giám đốc phụ thuộc vào hợp đồng giữa doanh nghiệp và người được doanh nghiệp thuê làm Tổng Giám đốc/ Giám đốc. Luật doanh nghiệp không hạn chế số lượng Doanh nghiệp tối đa mà một người có thể làm Tổng Giám đốc/ Giám đốc. Có nghĩa là, một người có thể làm Tổng Giám đốc/ Giám đốc cho nhiều Doanh nghiệp, nếu họ có khả năng và Doanh nghiệp đồng ý.
– Đại diện pháp luật trong từng loại hình công ty:
Trong mỗi loại hình công ty, Đại diện Pháp Luật có những chức danh khác nhau và luật quy định khác nhau về việc thành lập thêm doanh nghiệp. Vì thế cần lưu ý:
- Công ty TNHH một thành viên:
– Chức danh Đại diện Pháp Luật: Chủ tịch Hội Đồng Thành viên/ Chủ tịch công ty/ Tổng Giám đốc/ Giám đốc.
– Chủ tịch Hội Đồng Thành viên/ Chủ tịch công ty/ Tổng Giám đốc/ Giám đốc Công Ty TNHH một thành viên đều có thể làm Chủ tịch Hội Đồng Thành viên/ Chủ tịch công ty/ Tổng Giám đốc/ Giám đốc tại bất kỳ công ty nào.
- Công ty TNHH 2 thành viên trở lên:
– Chức danh Đại diện Pháp Luật: Chủ tịch Hội Đồng Thành viên/ Tổng Giám đốc/ Giám đốc.
– Chủ tịch Hội Đồng Thành viên/ Tổng Giám đốc/ Giám đốc Công Ty TNHH hai thành viên trở lên đều có thể làm Chủ tịch Hội Đồng Thành viên/ Chủ tịch công ty/ Tổng Giám đốc/ Giám đốc tại bất kỳ công ty nào.
- Công ty Cổ phần:
– Chức danh Đại diện Pháp Luật: Chủ tịch Hội Đồng Quản trị/ Tổng Giám đốc/ Giám đốc.
– Tổng Giám đốc/ Giám đốc Công Ty Cổ Phần không còn bị cấm làm Tổng Giám đốc/ Giám đốc tại bất kỳ công ty nào khác, và vẫn có thể làm Đại diện Pháp Luật của công ty khác với chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị/ Chủ tịch Hội đồng thành viên/ Chủ tịch công ty.
- Doanh nghiệp tư nhân:
– Chức danh Đại diện Pháp Luật: Tổng Giám đốc/ Giám đốc.
– Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân.
– Tổng Giám đốc/ Giám đốc Doanh nghiệp Tư Nhân đều có thể làm Chủ tịch Hội Đồng Thành viên/ Chủ tịch công ty/ Tổng Giám đốc/ Giám đốc tại bất kỳ công ty nào.
- Hộ kinh doanh cá thể:
– Chủ hộ là người đại diện theo pháp luật
– Theo khoản 2 điều 50 Nghị định 43/2010/NĐ-CP: “Cá nhân, hộ gia đình chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc.”
– Chủ hộ kinh doanh cá thể đều có thể làm Chủ tịch Hội Đồng Thành viên/ Chủ tịch công ty/ Tổng Giám đốc/ Giám đốc tại bất kỳ công ty nào.
Luật doanh nghiệp 2014 có khá nhiều thay đổi về mặt quản trị công ty, trong đó có thay đổi về người đại diện theo pháp luật. Luật lần này cho phép các công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật. Số lượng, chức danh quản lý và quyền, nhiệm vụ, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sẽ được quy định trong điều lệ công ty.
Thay đổi này ảnh hưởng rất lớn đến mô hình tổ chức và quản trị công ty nhưng theo hướng quản trị công ty hiện đại. Mỗi giám đốc – người đại diện theo pháp luật của công ty – khi đó sẽ có quyền đại diện cho công ty trong phạm vi quyền hạn họ được trao. Và một khi họ thực hiện đúng thẩm quyền của mình, mọi hành động của họ sẽ ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp.
Để có thể thích ứng được với quy định mới, doanh nghiệp sẽ buộc phải phân định rõ quyền, nhiệm vụ, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật, đồng thời, đối tác sẽ phải tìm hiểu tư cách và thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật trước khi quyết định làm ăn với doanh nghiệp.
Liên hệ luật sư Nhật Nam để biết thêm chi tiết: 0912356575