Câu hỏi: Thưa Luật sư, hiện nay tôi muốn rút vốn khỏi công ty hiện tại tôi đang tham gia góp vốn kinh doanh. Vậy có được không, nếu được phải làm như thế nào?
Câu trả lời:
Do câu hỏi của bạn, chúng tôi không biết rõ công ty bạn đang tham gia góp vốn kinh doanh là loại hình gì nên không thể tư vấn cụ thể. Tuy nhiên, Đội ngũ Luật sư của Luật Hồng Bàng xin đưa ra những tư vấn sau để bạn có thể căn cứ vào đó xác định.
- Rút vốn khỏi công ty Cổ phần
Khoản 1 Điều 115 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định một trong những nghĩa vụ của cổ đông phổ thông là: “… Không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Trường hợp có cổ đông rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định tại khoản này thì cổ đông đó và người có lợi ích liên quan trong công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút và các thiệt hại xảy ra…”.
Bạn là cổ đông phổ thông nên bạn chỉ có thể rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty nếu được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần của bạn. Tất cả các trường hợp rút vốn khác đều là trái pháp luật
Điều 129 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về việc công ty mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông như sau:
“1. Cổ đông biểu quyết phản đối nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình. Yêu cầu phải bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên, địa chỉ của cổ đông, số lượng cổ phần từng loại, giá dự định bán, lý do yêu cầu công ty mua lại. Yêu cầu phải được gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về các vấn đề quy định tại khoản này.
2. Công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông quy định tại khoản 1 Điều này với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp không thỏa thuận được về giá thì các bên có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Công ty giới thiệu ít nhất 03 tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp để cổ đông lựa chọn và lựa chọn đó là quyết định cuối cùng”.
Như vậy, nếu đại hội đồng cổ đông của công ty bạn thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty và bạn biểu quyết phản đối nghị quyết đó thì bạn có thể yêu cầu công ty mua lại cổ phần của bạn.
Trường hợp cổ phần của bạn được người khác mua lại được hiểu là bạn chuyển nhượng cổ phần cho người khác. Khoản 1, khoản 2 Điều 126 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về việc chuyển nhượng cổ phần như sau:
“1. Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.
- Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc đại diện ủy quyền của họ ký. Trường hợp chuyển nhượng thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán, trình tự, thủ tục và việc ghi nhận sở hữu thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán…”.
Như vậy, nếu Điều lệ công ty không có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần phổ thông thì bạn có quyền tự do bán cổ phần của mình cho người khác. Việc bán cổ phần được thực hiện bằng hợp đồng hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần phổ thông và các quy định này được nêu rõ trong cổ phiếu của bạn thì việc chuyển nhượng của bạn thực hiện theo các quy định đó.
Tóm lại, bạn chỉ có thể rút vốn ra khỏi công ty cổ phần nếu công ty mua lại cổ phần của bạn hoặc người khác đồng ý mua cổ phần của bạn.
- Rút vốn khỏi công ty TNHH 2 thành viên
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, chúng tôi xác định doanh nghiệp của anh thuộc loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Với loại hình công ty này, pháp luật quy định nghĩa vụ của thành viên như sau:
“Không được rút vốn đã góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp quy định tại các điều 52, 53, 54 và 68 của Luật này”
Với trường hợp của anh, vì anh không muốn tiếp tục góp vốn vào công ty, anh có thể tiến hành rút vốn theo một trong các trường hợp sau theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014:
Trường hợp 1: Yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp
Thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình, nếu thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết của Hội đồng thành viên về vấn đề sau đây:
a) Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;
b) Tổ chức lại công ty;
c) Các trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
Yêu cầu mua lại phần vốn góp phải bằng văn bản và được gửi đến công ty trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua nghị quyết quy định tại khoản này.
- Khi có yêu cầu của thành viên quy định tại khoản 1 Điều này, nếu không thỏa thuận được về giá thì công ty phải mua lại phần vốn góp của thành viên đó theo giá thị trường hoặc giá được định theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Việc thanh toán chỉ được thực hiện nếu sau khi thanh toán đủ phần vốn góp được mua lại, công ty vẫn thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
- Trường hợp công ty không mua lại phần vốn góp theo quy định tại khoản 2 Điều này thì thành viên đó có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên khác hoặc người khác không phải là thành viên.
Trường hợp 2: tiến hành chuyển nhượng phần vốn góp
Trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 52, khoản 5 và khoản 6 Điều 54 của Luật Doanh nghiệp 2014, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định sau đây:
a) Phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện;
b) Chỉ được chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại quy định tại điểm a khoản này cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán.
Quý khách nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh: Mr.Nhật Nam qua hotline: 0968.356.575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!