Hỏi: Thưa luật sư, nam nữ không đăng ký kết hôn nhưng chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 01/01/2001 có được công nhận là vợ chồng hợp pháp hay không?
Trả lời
- Cơ sở pháp lý
– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000
– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
- Nội dung
Trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng từ ngày 01/01/2001. Ở trường hợp này ta có thể hiểu theo hai cách hiểu như sau:
- Nam và nữ có đủ điều kiện đăng ký kết hôn nhưng chung sống với nhau như vợ chồng ( kể từ ngày 01/01/2001 trở đi) mà không đăng ký kết hôn. Theo trường hợp này hai bên nam và nữ đều có đủ điều kiện kết hôn (về độ tuổi kết hôn và không thuộc các trường hợp cấm kết hôn) nhưng vì những lý do nhất định họ chung sống với nhau như vợ chồng mà không thực hiện việc đăng ký kết hôn. Trong trường hợp này, các bên không được công nhận là vợ chồng nhưng hành vi chung sống với nhau như vợ chồng của họ cũng không phải là vi phạm pháp luật.
- Nam và nữ không đủ điều kiện đăng ký kết hôn nhưng chung sống với nhau như vợ chồng ( kể từ ngày 01/01/2001 trở đi) mà không đăng ký kết hôn. Trường hợp này có nghĩa một trong hai bên hay cả hai bên nam và nữ không đủ điều kiện kết hôn (ví dụ về độ tuổi kết hôn) nên họ không thể đăng ký kết hôn nhưng vẫn chung sống với nhau như vợ chồng. Ví dụ: Nam, nữ đều đủ 16 tuổi, có tài sản riêng, chung sống với nhau như vợ chồng thì hành vi chung sống này không bị xem là vi phạm pháp luật. Cần phân biệt trường hợp nam nữ không đủ điều kiện đăng ký kết hôn nhưng chung sống với nhau như vợ chồng với “tảo hôn”. Theo Khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của Luật này”. “Tảo hôn” là hành vi vi phạm pháp luật, bị pháp luật ngăn cấm theo Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cấm các hành vi: “Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn,lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn”. Trong khi đó, trường hợp nam và nữ không đủ điều kiện kết hôn nên không đăng ký kết hôn nhưng vẫn chung sống với nhau như vợ chồng, không bị pháp luật cấm. Do đó, hành vi này không phải là vi phạm pháp luật.
TRÂN TRỌNG!