Hỏi: Anh T và chị H được gia đình tổ chức lễ cưới theo phong tục tập quán từ ngày 1/10/1988 (không có đăng ký kết hôn). Trong lễ cưới, cha mẹ anh T tuyên bố cho chị H một sợi dây chuyền (5 chỉ vàng). Hai năm sau, cha mẹ anh T cho vợ chồng anh mảnh đất 150m2 để làm nhà và hai người đã cùng đứng tên chủ quyền mảnh đất này. Cuộc sống gia đình hạnh phúc, hai anh chị đã có các con chung là cháu M (1990) và cháu N (1994). Đến cuối năm 2014, giữa hai người phát sinh mâu thuẫn. Ngày 12/10/2015, anh T đã làm đơn xin ly hôn gửi đến Toà án (Toà đã thụ lý). Trong thời gian chờ giải quyết vụ việc, ngày 15/10/2015, anh T đã kết hôn với chị X (có đăng ký kết hôn). Toà án sẽ giải quyết vụ việc như thế nào (chia tài sản và con chung) ? Tại sao? Chị H có đơn yêu cầu Toà án huỷ việc kết hôn trái pháp luật giữa anh T và chị X. Toà án sẽ xử lý yêu cầu này ra sao?
Trả lời
Theo tình huống trên, Anh T và chị H được gia đình tổ chức lễ cưới theo phong tục tập quán từ ngày 1/10/1988 (không có đăng ký kết hôn).
Căn cứ nghị quyết số 35/2000/QH10 về việc thi hành luật hôn nhân và gia đình, Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001 có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn đến ngày 01/01/2003. Nếu sau ngày 01/01/2003 không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng.
Như vậy, trong trường hợp trên anh T và chị H không được công nhận là vợ chồng.
– Ngày 12/10/2015, anh T đã làm đơn xin ly hôn gửi đến Toà án (Toà đã thụ lý). Căn cứ Điều 53 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về Thụ lý đơn yêu cầu ly hôn
“1. Tòa án thụ lý đơn yêu cầu ly hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
2. Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.”
Trong trường hợp này, Tòa án sẽ thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng giữa anh T và chị H.
+ Về giải quyết quan hệ tài sản: Quan hệ tài sản đối với trường hợp chung sống như vợ chồng được quy định tại Điều 16 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
Theo nội dung điều luật, có thể thấy đối với quan hệ tài sản thì nhà làm luật ưu tiên giải giải quyết quan hệ tài sản,nghĩa vụ và hợp đồng của các bên nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn theo thỏa thuận giữa các bên là hợp lí. Tuy nhiên luật chỉ quy định về trường hợp các bên tự thỏa thuân, thế đối với trường hợp nếu các bên thoả thuận vô hiệu thì Tòa án giải quyết như thế nào?
Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được với nhau thì đối chiếu với các quy định của Bộ luật dân sự tài sản của những người chung sống như vợ chồng trong thời gian chung sống cùng nhau không thuộc tài sản chung hợp nhất . Tài sản do người nào tạo ra sẽ thuộc quyền sở hữu riêng của người đó , tài sản được 2 người cùng tạo ra thuộc sở hữu chung theo phần giữa họ. Tòa án khi phân chia phải căn cứ vào đóng góp của mỗi bên, Để xác định tài sản có phải sở hữu chung theo phần hay không ta thường dựa trên mốc thời gian mà 2 bên tiến hành chung sống, nhưng việc xác định mốc thời gian này còn đang gặp nhiều điều khá khó khăn.
+ Về giải quyết quan hệ cha, mẹ và con:
Vấn đề này được quy định tại Điều 15 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Những người chung sống với nhau như vợ chồng nếu có con với nhau thì các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật quy định cho cha, mẹ và con được áp dụng theo đúng luật hôn nhân và gia đình tại chương 5 : quan hệ giữa cha, mẹ và con
Việc nuôi con sẽ do 2 bên cùng thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho 1 bên trực tiếp nuôi căn cứ các quyền lợi về mọi mặt của con,con từ đủ 7 tuổi trở lên thì xét theo nguyện vọng của con , con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện về việc chăm sóc, nuôi dưỡng.
Người không trực tiếp nuôi và sống chung với con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng khi con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng không có khẳ năng lao động để tự nuôi sống bản thân. Mức cấp dưỡng do cha mẹ thỏa thuận, hoặc do cha mẹ với con cái thảo thuận với nhau khi con đã thành niên. Mức cấp dưỡng này căn cứ vào khả năng tài chính thực tế và nhu cầu thực tế của con để phục vụ cuộc sống. Cha mẹ là người có nghĩa vụ nuôi con có quyền yêu cầu người không nuôi con thực hiện các nghĩa vụ của họ và yêu cầu người không nuôi con cũng như gia đình họ tôn trọng quyết định nuôi con của mình.
Trong tình huống này, việc ai nuôi con phải xét dựa trên nguyện vọng của cháu M và cháu N.
– Chị H có đơn yêu cầu Toà án huỷ việc kết hôn trái pháp luật giữa anh T và chị X:
Điều 10 Luật HNGĐ 2014 quy định Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật:
“1. Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật này.
2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này:
a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.”
Khoản 4 Điều 3 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số điều của luật hôn nhân và gia đình thi: “Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn (không phân biệt có vi phạm điều kiện kết hôn hay không) và có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý, giải quyết và áp dụng Điều 9 và Điều 14 của Luật hôn nhân và gia đình tuyên bố không công nhận quan hệ hôn nhân giữa họ. Nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật hôn nhân và gia đình.”
Theo phân tích trên, anh T và chị H không được công nhận là vợ chồng, do vậy chị H không có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Mặt khác, việc anh T kết hôn với chị X nếu đáp ứng mọi điều kiện kết hôn tại điều 8 Luật HNGĐ 2014 thì hoàn toàn đúng pháp luật, và được pháp luật thừa nhận.
Để được tư vấn về các vấn đề thuộc lĩnh vực Hôn nhân và gia đình, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi:
TRÂN TRỌNG!