Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Hỏi: Căn cứ để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp?

Trả lời

Căn cứ để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp là biên bản vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp, trừ trường hợp xử phạt theo thủ tục đơn giản.

Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp thì người có thẩm quyền xử phạt lập biên bản vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp. Nếu hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản vi phạm  thì những người này ra quyết định xử phạt. Trường hợp  mức phạt không thuộc thẩm quyền thì chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt.

Điều  15 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp quy định về thẩm quyền xử phạt, theo đó các cơ quan sau có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính:

“1. Thanh tra Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm quy định tại Chương II của Nghị định này.

2. Thanh tra Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 16 Điều 14 của Nghị định này.

3. Quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm sau đây:

a) Hành vi vi phạm quy định tại Điều 12 và Điều 13 của Nghị định này trong hoạt động sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng hóa tại thị trường trong nước;

b) Hành vi vi phạm quy định tại các Điều 6, 9, 11 và 14 của Nghị định này trong hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng hóa tại thị trường trong nước. Trong trường hợp xử lý hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này mà xác định được cơ sở sản xuất loại hàng hóa đó thì Quản lý thị trường có thẩm quyền tiếp tục xử lý hành vi vi phạm tại cơ sở sản xuất.

4. Hải quan có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm quy định tại các Điều 6, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Nghị định này trong hoạt động quá cảnh, nhập khẩu hàng hóa.

5. Công an có thẩm quyền phát hiện, xác minh, thu thập thông tin, chứng cứ các hành vi xâm phạm quyền về sở hữu công nghiệp và cung cấp cho các cơ quan xử lý vi phạm quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này; có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm quy định tại các Điều 9, 12 và 13 của Nghị định này.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp xảy ra tại địa phương theo nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 38 và Điều 52 của Luật xử lý vi phạm hành chính.”

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG

Trân trọng!