Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Hỏi: Nội dung hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp

Trả lời:

Trong trường hợp chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp thông qua hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp chủ sở hữu thu được một khoản lợi ích vật chất nhất định nhưng đồng thời quyền sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp của chủ thể chấm dứt. Thay vì chuyển giao quyền sở hữu chủ thể có thể lựa chọn cách thức chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp. Với cách thức này, chủ thể vẫn thu được một khoản lợi ích vật chất nhất định đồng thời bảo lưu được quyền sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp.

Thỏa thuận về việc chuyển quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp phải được xác lập thông qua hình thức hợp đồng xác định bằng văn bản gọi là hợp đồng sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp.

Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là sự thỏa thuận giữa các bên theo đó chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp trong phạm vi thời hạn mà các bên đã thỏa thuận và các hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo quy định tại Điều 144, Luật sở hữu trí năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009:

“1. Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền;

b) Căn cứ chuyển giao quyền sử dụng;

c) Dạng hợp đồng;

d) Phạm vi chuyển giao, gồm giới hạn quyền sử dụng, giới hạn lãnh thổ;

đ) Thời hạn hợp đồng;

e) Giá chuyển giao quyền sử dụng;

g) Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền.

2. Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp không được có các điều khoản hạn chế bất hợp lý quyền của bên được chuyển quyền, đặc biệt là các điều khoản không xuất phát từ quyền của bên chuyển quyền sau đây:

a) Cấm bên được chuyển quyền cải tiến đối tượng sở hữu công nghiệp, trừ nhãn hiệu; buộc bên được chuyển quyền phải chuyển giao miễn phí cho bên chuyển quyền các cải tiến đối tượng sở hữu công nghiệp do bên được chuyển quyền tạo ra hoặc quyền đăng ký sở hữu công nghiệp, quyền sở hữu công nghiệp đối với các cải tiến đó;

b) Trực tiếp hoặc gián tiếp hạn chế bên được chuyển quyền xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ được sản xuất hoặc cung cấp theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp sang các vùng lãnh thổ không phải là nơi mà bên chuyển quyền nắm giữ quyền sở hữu công nghiệp tương ứng hoặc có độc quyền nhập khẩu hàng hoá đó;

c) Buộc bên được chuyển quyền phải mua toàn bộ hoặc một tỷ lệ nhất định các nguyên liệu, linh kiện hoặc thiết bị của bên chuyển quyền hoặc của bên thứ ba do bên chuyển quyền chỉ định mà không nhằm mục đích bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ do bên được chuyển quyền sản xuất hoặc cung cấp;

d) Cấm bên được chuyển quyền khiếu kiện về hiệu lực của quyền sở hữu công nghiệp hoặc quyền chuyển giao của bên chuyển quyền.

3. Các điều khoản trong hợp đồng thuộc các trường hợp quy định tại khoản (2) Điều này mặc nhiên bị vô hiệu.”

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG

Trân trọng !