Công ty Luật Hồng Bàng xin gửi tới quý khách hàng bài viết về Tính mới của sáng chế. Để được giải đáp những vướng mắc về các vấn đề pháp lý cũng như tiết kiệm thời gian và công sức của bản thân, xin quý khách liên hệ với chúng tôi qua tổng đài 1900.6575.
Sáng chế được bảo hộ dưới 2 hình thức: Bằng độc quyền sáng chế và Bằng độc quyền giải pháp hữu ích. 2 hình thức này chỉ khác nhau ở 1 điểm, đó là trình độ sáng tạo. Do đó, sáng chế có đầy đủ 3 yếu tố tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp sẽ được bảo hộ bằng hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế, nếu sáng chế đó có tính mới, có khả năng áp dụng công nghiệp nhưng lại không có trình độ sáng tạo thì vẫn được bảo hộ nhưng bằng hình thức bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Về tính mới của sáng chế, “Mới” ở đây có nghĩa là không trùng với những giải pháp kỹ thuật đã nộp đơn hoặc đã được bảo hộ; chưa bị bộc lộ công khai ngoài ý muốn của chủ thể, dưới hình thức sử dụng hoặc mô tả tới mức một người trung bình trong lĩnh vực tương ứng có thể thực hiện được giải pháp đó. Thời điểm xác định tính mới là ngày ưu tiên (đó là ngày nộp đơn hợp lệ, hoặc ngày ưu tiên theo Công ước Paris).
Tính mới của sáng chế được quy định tại Điều 60 Luật SHTT 2005 sửa đổi 2009, theo đó:
“1. Sáng chế được coi là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên.
2. Sáng chế được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về sáng chế đó.
3. Sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:
a) Sáng chế bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này;
b) Sáng chế được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này công bố dưới dạng báo cáo khoa học;
c) Sáng chế được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.”
Để đánh giá tính mới của giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn yêu cầu bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ phải tiến hành tra cứu thông tin từ ba nguồn bắt buộc:
(i)Tất cả các đơn khác đã được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận có cùng chỉ số phân loại, tính đến chỉ số phân lớp (chỉ số hạng thứ ba) và có ngày ưu tiên sớm hơn.
(ii) Các đơn sáng chế và các patent do các Tổ chức, quốc gia khác công bố hoặc cấp trong vòng 25 năm trước ngày ưu tiên của đơn.
(iii) Trong trường hợp cần thiết và có thể, việc tra cứu được mở rộng đến các báo cáo khoa học, báo cáo kết quả của các chương trình, đề tài nghiên cứu…thuộc cùng lĩnh vực kỹ thuật được công bố và lưu giữ tại Trung tâm Thông tin tư liệu khoa học và công nghệ quốc gia.
Mục đích của chủ sở hữu sáng chế khi đăng ký bảo hộ là hướng tới việc họ có thể độc quyền khai thác đối tượng được bảo hộ, đảm bảo thu hồi vốn đầu tư, thu lợi một cách hợp pháp và tái đầu tư để tạo ra các sản phẩm mới. Điều này có nghĩa là chủ sở hữu sáng chế muốn được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, và việc pháp luật quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sáng chế cũng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ sở hữu sáng chế, cũng như bảo vệ cho lợi ích của quốc gia.
Trân trọng !