Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Công ty Luật Hồng Bàng xin gửi tới quý khách hàng bài viết về Những điểm mới về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong luật đất đai 2013. Để được giải đáp những vướng mắc về các vấn đề pháp lý cũng như tiết kiệm thời gian và công sức của bản thân, xin quý khách liên hệ với chúng tôi qua tổng đài 1900.6575.

  1. Về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

            Để việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được hợp lý, hiệu quả, tránh chồng chéo Luật đất đai năm 2013 bổ sung một số quy định quan trọng trong nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cụ thể là:

            Bổ sung thêm vào Khoản 2 Điều 35 quy định: “Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết của các vùng kinh tế – xã hội; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải thể hiện nội dung sử dụng đất của cấp xã”;

            Bổ sung mới 2 nguyên tắc:“Bảo đảm ưu tiên quỹ đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, an ninh lương thực và bảo vệ môi trường” (Khoản 7 Điều 35);“Quy hoạch, kế hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt” (Khoản 8 Điều 35).

  1. Về kỳ kế hoạch sử dụng đất

            Kế thừa Luật đất đai năm 2003, Luật đất đai năm 2013 vẫn quy định kỳ kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh và kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh là 5 năm. Tuy nhiên, đối với kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, nhằm đảm bảo tính khả thi của kế hoạch sử dụng đất, Luật đất đai năm 2013 quy định “Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hàng năm” (Khoản 2 Điều 37).

  1. Về căn cứ và nội dung lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

            Nhằm khắc phục được những khó khăn khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Luật đất đai năm 2013 quy định đầy đủ, rõ ràng căn cứ và nội dung lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của từng cấp.

            Điểm mới có tính đột phá trong nội dung lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Luật đất đai năm 2013 là quy định kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện làm cơ sở thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất gắn với nhu cầu sử dụng đất trong năm của các ngành, lĩnh vực, của các cấp, phù hợp với khả năng đầu tư và huy động nguồn lực, khắc phục lãng phí trong việc giao đất cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư.

            Về nội dung kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện cũng có bổ sung một số quy định như: “Xác định vị trí, diện tích đất phải thu hồi để thực hiện công trình, dự án sử dụng đất vào mục đích quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật này trong năm kế hoạch đến từng đơn vị hành chính cấp xã. Đối với dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn thì phải đồng thời xác định vị trí, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở, thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh” (Điểm c Khoản 4 Điều 40) và “Lập bản đồ kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện” (Điểm đ Khoản 4 Điều 40).

            Để tránh chồng chéo trong quy hoạch, Luật đất đai năm 2013 đã quy định mối liên kết giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch đô thị trên địa bàn quận tại Khoản 5 Điều 40, cụ thể là: “Đối với quận đã có quy hoạch đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì không lập quy hoạch sử dụng đất nhưng phải lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm; trường hợp quy hoạch đô thị của quận không phù hợp với diện tích đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thì phải điều chỉnh quy hoạch đô thị cho phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. 

  1. Lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

            Đây là nội dung được bổ sung mới trong Luật đất đai năm 2013 và được quy định tại Điều 43. Cụ thể là: Cơ quan có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là cơ quan tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng; việc lấy ý kiến được tiến hành theo hình thức, nội dung và thời gian lấy ý kiến nhân dân cụ thể; việc xây dựng báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân và hoàn thiện phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trước khi trình Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cơ quan tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng thực hiện. Quy định này góp phần tăng cường hơn nữa tính công khai, dân chủ trong quản lý, sử dụng đất.

  1. Thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

            Để đảm bảo quản lý chặt chẽ và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, Luật đất đai năm 2013 bổ sung quy định “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất quy định tại Khoản 3 Điều 62 của Luật này trước khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện” (Khoản 3 Điều 45).

  1. Tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

            Nhằm chuyên môn hóa các tổ chức, cá nhân hoạt động tư vấn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Luật đất đai năm 2013 bổ sung thêm vấn đề“Tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” (Điều 47), cụ thể là: Trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thuê tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Luật giao Chính phủ quy định điều kiện của tổ chức, cá nhân hoạt động tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

  1. Thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

            Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt không bị ảnh hưởng, ngoài những nội dung kế thừa Luật đất đai năm 2003, Luật đất đai năm 2013 bổ sung điểm mới quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, cụ thể: “Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật” (Khoản 2 Điều 49). Ngoài ra, để khắc phục những khó khăn, bất cập trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại thời điểm kết thúc kỳ quy hoạch sử dụng đất mà quy hoạch sử dụng đất kỳ mới chưa được phê duyệt, Khoản 4 Điều 49 Luật đất đai năm 2013 có quy định: “Khi kết thúc kỳ quy hoạch sử dụng đất mà các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất chưa thực hiện hết thì vẫn được tiếp tục thực hiện đến khi quy hoạch sử dụng đất kỳ tiếp theo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt”./.

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG

Trân trọng !