Công ty Luật Hồng Bàng xin gửi tới quý khách hàng bài viết về Chủ thể sử dụng đất có yếu tố nước ngoài. Để được giải đáp những vướng mắc về các vấn đề pháp lý cũng như tiết kiệm thời gian và công sức của bản thân, xin quý khách liên hệ với chúng tôi qua tổng đài 1900.6575.
Pháp luật Việt Nam khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Do vậy, Nhà nước chỉ thừa nhận “quyền sử dụng”, mà không thừa nhận “quyền sở hữu” đối với đất đai. Quyền sử dụng đất được Nhà nước trao cho người sử dụng đất thông qua hình thức giao đất hoặc cho thuê đất.
Tùy vào đối tượng có nhu cầu sử dụng đất (là cá nhân, hộ gia đình, tổ chức kinh tế trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (“Việt kiều”) hay tổ chức, cá nhân nước ngoài) mà Nhà nước sẽ quyết định hình thức sử dụng đất là giao đất hay cho thuê đất.
Và đối với mỗi hình thức sử dụng dất thì Nhà nước lại quy định các quyền và nghĩa vụ cụ thể. Về cơ bản, người sử dụng đất có thể có một số hoặc tất cả các quyền sau đây: quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền được bồi thường khi bị thu hồi đất.
Quyền sử dụng đất được Nhà nước Việt Nam trao cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo 3 nhóm đối tượng:
- Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao: gồm có cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất.
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài: gồm có người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đầu tư, hoạt động văn hoá, hoạt động khoa học thường xuyên hoặc về sống ổn định tại Việt Nam.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài: gồm có tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo pháp luật về đầu tư
Trân trọng !