Giúp việc gia đình là loại hình lao động ngày càng phổ biến và không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại.Tuy nhiên, phần lớn người sử dụng lao động cũng như người giúp việc vẫn chưa biết và hiểu rõ những quy định của pháp luật đối với loại hình lao động này. Công ty Luật Hồng Bàng xin giới thiệu tới quý khách hàng dịch vụ tư vấn pháp luật về lao động, cụ thể là xin gửi tới quy khách hàng những quy định của pháp luật về sử dụng lao động là người giúp việc trong gia đình.
- Cơ sở pháp lý:
Bộ luật Lao động năm 2012 (sau đây gọi tắt là BLLĐ năm 2012)
Nghị định 27/2014/NĐ-CP
- Nội dung tư vấn
Thứ nhất, lưu ý về ký kết hợp đồng lao động, căn cứ theo quy định tại điều 180 BLLĐ năm 2012 thì:
– Người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình.
– Thời hạn của hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình do hai bên thoả thuận. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước 15 ngày.
– Hai bên thỏa thuận, ghi rõ trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hằng ngày, chỗ ở .
Cụ thể Khoản 4 Điều 3, Điều 4, 5, 6, 7 Nghị định 27/2014/NĐ-CP hướng dẫn như sau:
– Người ký kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong số các trường hợp sau đây:
+) Chủ hộ;
+) Người được chủ hộ hoặc các chủ hộ ủy quyền hợp pháp;
+) Người được các thành viên trong hộ gia đình hoặc các hộ gia đình ủy quyền hợp pháp.
– Người ký kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong số các trường hợp sau đây:
+) Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;
+) Người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi và có văn bản đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động.
– Ký kết hợp đồng lao động
+) Khi ký kết hợp đồng lao động với người lao động không biết chữ, người sử dụng lao động đọc toàn bộ nội dung hợp đồng lao động để người lao động nghe và thống nhất nội dung trước khi ký hợp đồng lao động; trường hợp cần thiết người lao động yêu cầu người sử dụng lao động mời người thứ ba không phải là thành viên của hộ gia đình làm chứng trước khi ký hợp đồng lao động.
+) Trường hợp người sử dụng lao động có thuê mướn, sử dụng nhiều lao động là người giúp việc gia đình thì người sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động với từng người lao động.
+) Hợp đồng lao động được lập ít nhất thành hai bản, người sử dụng lao động giữ một bản, người lao động giữ một bản.
+) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người lao động làm việc về việc sử dụng lao động là người giúp việc gia đình.
– Nội dung của hợp đồng lao động
Hợp đồng lao động có những nội dung chủ yếu sau đây:
+) Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp;
+) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động;
+) Công việc và địa điểm làm việc;
+) Thời hạn của hợp đồng lao động;
+) Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
+) Chế độ nâng bậc, nâng lương;
+) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
+) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
+) Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế;
+) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
+) Điều kiện ăn, ở của người lao động (nếu có);
+) Tiền tàu xe về nơi cư trú khi chấm dứt hợp đồng lao động đúng thời hạn;
+) Thời gian và mức chi phí hỗ trợ để người lao động học văn hóa, học nghề (nếu có);
+) Trách nhiệm bồi thường do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại về tài sản của người sử dụng lao động;
+) Những hành vi bị nghiêm cấm đối với mỗi bên.
Thứ hai, nghĩa vụ của người sử dụng lao động: Điều 181 BLLĐ năm 2012 quy định:
+) Thực hiện đầy đủ thỏa thuận đã giao kết trong hợp đồng lao động.
+) Trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động tự lo bảo hiểm.
+) Tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người giúp việc gia đình.
+) Bố trí chỗ ăn, ở sạch sẽ, hợp vệ sinh cho người giúp việc gia đình, nếu có thoả thuận.
+) Tạo cơ hội cho người giúp việc gia đình được tham gia học văn hóa, học nghề.
+) Trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.
Thứ ba, những hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động được quy định tại điều 183 BLLĐ năm 2012 bao gồm những hành vi:
+) Ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình.
+) Giao việc cho người giúp việc gia đình không theo hợp đồng lao động.
+) Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ trực tiếp với các luật sư để được giải đáp kịp thời.
Trân trọng!
___________________________________
MỌI THẮC MẮC QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN CHI TIẾT:
CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG
Điện thoại: 0912 35 65 75 – 0968 35 65 75 (Luật sư Nhật Nam)
Tổng đài tư vấn trực tuyến: 1900 6575
Email: Lienheluathongbang@gmail.com
Trân trọng!