Hiện nay, bán trà đá đang là một trong những mặt hàng kinh doanh phổ biến, nhất là tại các thành phố lớn. Vậy theo quy định của pháp luật, muốn bán trà đá có cần phải đăng ký kinh doanh không?
Bán trà đá không thuộc trường hợp phải đăng ký kinh doanh
Theo quy định tại Điều 67 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ; các hộ gia đình khi có hoạt động kinh doanh theo hình thức nhỏ lẻ phải có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh.
Theo đó, có thể hiểu hộ kinh doanh là loại hình kinh doanh nhỏ lẻ, tại một địa điểm, sử dụng dưới 10 lao động. Trong đó, chủ là một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự hoặc một hộ gia đình.
Dù vậy, không phải ngành nghề nào cũng bắt buộc phải thực hiện thủ tục này. Theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Nghị định 78, một số đối tượng sau đây không phải đăng ký kinh doanh trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện:
– Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối;
– Những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh danh lưu động;
– Những người làm dịch vụ có thu nhập thấp.
Đồng thời, tại Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP, Chính phủ quy định chi tiết 06 trường hợp không phải đăng ký kinh doanh là những cá nhân hoạt động thương mại, không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại gồm:
– Buôn bán hàng rong, buôn bán dạo: Là hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định gồm cả việc nhận sách, báo, tạp chí, văn hóa phẩn của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này để bán rong;
– Buôn bán vặt: Là việc mua bán những vật dụng nhỏ, lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
– Bán quà vặt: Là hoạt động bán quà, bánh, đồ ăn, nước uống, hàng nước có hoặc không có địa điểm cố định;
– Buôn chuyến: Là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
– Thực hiện các dịch vụ: Đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định…
Như vậy, có thể thấy, bán trà đá là loại hình kinh doanh thuộc trường hợp bán quà vặt và không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Bán trà đá “vỉa hè” sẽ bị phạt?
Mặc dù bán trà đá là loại hình kinh doanh không phải đăng ký với cơ quan Nhà nước nhưng không phải muốn bán ở chỗ nào cũng được. Theo đó, nếu kinh doanh trà đá trên vỉa hè, thậm chí dưới lòng đường lại là hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông.
Tại Điều 8, các hành vi bị cấm nêu tại Luật Giao thông đường bộ 2008 có nói rõ:
Sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép
Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông (Điều 36 Luật Giao thông đường bộ). Do đó, rõ ràng việc bán trà đá ở vỉa hè là hành vi vi phạm pháp luật.
Điều 20 Nghị định 100 mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 vừa qua quy định cụ thể mức phạt tiền khi bán trà đá trên lòng đường, vỉa hè trên các tuyến phố có quy định cấm bán hàng:
– Với cá nhân: Từ 100.000 – 200.000 đồng;
– Với tổ chức: Từ 200.000 – 400.000 đồng.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.