Xin chào Luật Hồng Bàng, tôi có một sự việc muốn nhờ Luật sư tư vấn như sau:
Bố tôi là Ông Nguyễn Văn A bắt đầu làm việc tại Công ty xây dựng từ ngày 05/10/2014 theo HĐLĐ xác định thời hạn 1 năm, mức lương là 10.000.000 đồng/tháng. Sau khi hết thời hạn hợp đồng, hai bên lại tiến hành gia hạn hợp đồng thêm 2 năm nữa. Hết thời hạn gia hạn, mặc dù hai bên không ký HĐLĐ nhưng bố tôi vẫn tiếp tục làm việc cho công ty. Ngày 12/08/2018, khi đang làm việc bố tôi bị tai nạn do sập giàn giáo phải vào viện điều trị 3 tháng. Sau khi ra viện ông được xác định suy giảm 25% khả năng lao động.
Tôi muốn hỏi là Công ty X có Trách nhiệm gì khi bố tôi bị tai nạn?
Trả lời
Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu đến Luật Hồng Bàng, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:
- Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật lao động năm 2012
- Nghị định 45/2013/NĐ – CP ngày 10/5/2013 quy định chi tiết một số điều của BLLĐ về thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động.
- Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH
- Nội dung tư vấn:
Xác định trách nhiệm của công ty X đối với ông A
a) Xác định tai nạn của ông A là tai nạn lao động
Trước tiên, để xác định trách nhiệm của công ty X thì phải xác định xem tai nạn của ông A có phải là tai nạn lao động hay không. Theo Điều 142 BLLĐ năm 2012 quy định: “Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động”. Điều này được áp dụng trong thời gian nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, chuẩn bị và kết thúc công việc tại nơi làm việc (Điều 12 Nghị định 45/2013/NĐ – CP ngày 10/5/2013 quy định chi tiết một số điều của BLLĐ về thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động). Trên tinh thần của điều luật nói trên thì có thể khẳng định tai nạn của ông Nguyễn Văn A có thể là tai nạn lao động dựa trên những điểm sau:
Một là, về hình thức tai nạn: tai nạn lao động được xác định là tất cả các loại tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động. Ông A bị tai nạn do sập giàn giáo và phải vào viện điều trị 3 tháng, như vậy là có tai nạn thực tế xảy ra gây ảnh hưởng đến sức khỏe của ông.
Hai là, về thời điểm bị tai nạn: ông A bị tai nạn khi đang thực hiện công việc được giao trong giờ làm việc. Do đó, thời điểm ông A bị tai nạn đã đáp ứng được yếu tố “trong quá trình lao động gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động”.
Ba là, về đối tượng bị tai nạn lao động: tai nạn lao động áp dụng đối với người lao động có quan hệ lao động chính thức, người học nghề, tập nghề và thử việc. Như đã trình bày ở trên, hợp đồng lao động giữa ông A và công ty X từ ngày 05/10/2014 theo HĐLĐ xác định thời hạn 1 năm, mức lương là 10.000.000 đồng/tháng. Sau khi hết thời hạn hợp đồng, hai bên lại tiến hành gia hạn hợp đồng thêm 2 năm nữa. Hết thời hạn gia hạn, mặc dù hai bên không ký HĐLĐ nhưng ông Avẫn tiếp tục làm việc cho công ty. Do vậy căn cứ theo quy định tại khoản 2 điều 22 Bộ luật Lao động năm 2012 HĐLĐ giữa ông A và công ty X sẽ trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Như vật tại thời điểm ông A bị tai nạn do sập giàn giáo ông A là người lao động có quan hệ lao động chính thức với công ty X và là đối tượng áp dụng của tai nạn lao động.
b) Xác định trách nhiệm của công ty X đối với tai nạn lao động của ông A
Căn cứ vào Điều 144, 145 BLLĐ 2012; Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 và Điều 3, 6 Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH, trách nhiệm của công ty X đối với tai nạn lao động của ông A được xác định như sau:
Thứ nhất, Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho ông A và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho ông A.
Thứ hai, Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho ông A như sau:
(i) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả nếu ông A có tham gia bảo hiểm y tế. Trong trường hợp ông A không tham gia bảo hiểm y tế thì công ty X phải thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định.
(ii) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động;
Thứ ba, trả đủ lương cho ông A trong thời gian phải nghỉ việc để điều trị và phục hồi chức năng:
Công ty X trả đủ tiền lương cho ông A theo hợp đồng lao động mà ông và công ty X đã thỏa thuận trong thời gian 3 tháng ông A nằm viện và nghỉ việc để điều trị. Theo tình huống, có thể hiểu mức lương của ông A và công ty X không có sự thay đổi đối với các HĐLĐ giao kết sau, do đó, mức lương mà công ty X phải trả cho ông A trong thời gian điều trị là 10.000.000 đồng/1 tháng.
Thứ tư, bồi thường cho ông A nếu ông A bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính mình gây ra gây ra theo quy định tại Điều 145 BLLĐ năm 2012. Xét theo tình huống, ông A bị suy giảm 25% khả năng lao động, thì trách nhiệm bồi thường của công ty X được tính như sau:
Căn cứ Khoản 3 Điều 3 Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH quy định về mức bồi thường như sau:
“Mức bồi thường đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều này được tính như sau:
a) Ít nhất bằng 30 tháng tiền lương đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
b) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo công thức dưới đây hoặc tra theo bảng tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này:
Tbt = 1,5 + {(a – 10) x 0,4}
Trong đó:
– Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 11% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);
– 1,5: Mức bồi thường khi suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%;
– a: Mức (%) suy giảm khả năng lao động của người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
– 0,4: Hệ số bồi thường khi suy giảm khả năng lao động tăng 1%.”
Vậy, Mức bồi thường mà công ty trả cho ông A khi ông A không có lỗi được tính như sau:
Tbt = 1,5 + {(25 – 10) x 0,4} = 7,5 tháng tiền lương theo quy định của pháp luật nói trên.
Với tiền lương làm căn cứ để tính bồi thường, căn cứ theo Khoản 1 Điều 6 Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH được hiểu là tiền lương được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi tai nạn lao động xảy ra
Thứ năm, Trợ cấp cho ông A khi ông A bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính mình gây ra. Mức trợ cấp là ít nhất bằng 40% mức bồi thường theo quy định của pháp luật. Theo đó, trong trường hợp này, trợ cấp ông được hưởng sẽ là: 40% x 7,5 tháng tiền lương được bồi thường = 3 tháng tiền lương.
Thứ sáu, Giới thiệu cơ sở để ông A được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;
Thứ bảy, Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với ông A trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động.
Thứ tám, Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa cho ông A sau khi điều trị.
Thứ chín, Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động cho ông A từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động trong trường hợp công ty X thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho ông A và chi trả khoản chế độ về tai nạn lao động cho ông A nếu không thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho ông A.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ trực tiếp với các luật sư để được giải đáp kịp thời.
Trân trọng!
____________________________________
MỌI THẮC MẮC QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN CHI TIẾT:
Điện thoại: 0912 35 65 75 – 0968 35 65 75 (Luật sư Nhật Nam)
Tổng đài tư vấn trực tuyến: 1900 6575
Email: Lienheluathongbang@gmail.com