Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, không chỉ các doanh nghiệp mà cả người lao động cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Để khắc phục những khó khăn này, các doanh nghiệp và người lao động đang trông chờ vào các biện pháp hỗ trợ kịp thời và phù hợp từ Chính phủ Việt Nam. Theo đó, một số chính sách đã được ban hành để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động đối phó với các tác động tiêu cực gây ra bởi sự lây lan không thể dự đoán được của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Các chính sách này cụ thể gồm có:
I. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
1. Tạm dừng đóng vào bảo hiểm xã hội
Vào ngày 09 tháng 3 năm 2020, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 797/LĐTBXH-BHXH để cho phép các doanh nghiệp đang trong tình trạng khó khăn do Covid-19 sẽ được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời hạn tối đa 12 tháng. Sau đó, vào ngày 17 tháng 3 năm 2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã ban hành Công văn số 860/BHXH-BT để làm rõ việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất sẽ được áp dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành kinh doanh vận tải hành khách, du lịch, lưu trú , nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến hơn 50% tổng số lao động tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc hoặc doanh nghiệp bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản (không kể giá trị tài sản là đất). Các cơ quan hữu quan cũng cần nhanh chóng xử lý các yêu cầu tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho đến hết tháng 6 năm 2020 sau khi nhận được hồ sơ đề nghị của các doanh nghiệp. Trong thời hạn tạm dừng, lãi suất thanh toán trễ hạn cũng cũng được miễn. Trong trường hợp đến cuối tháng 6 năm 2020 mà đại dịch vẫn chưa thuyên giảm, nếu doanh nghiệp có đề nghị thì kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét và giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho đến tháng 12 năm 2020.
2.Lùi thời điểm đóng phí công đoàn
Một chính sách hỗ trợ khác được ban hành vào ngày 18 tháng 3 năm 2020 bởi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cụ thể là Công văn số 245/TLĐ. Theo đó, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 (có 50% lao động trở lên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc) được lùi thời điểm thanh toán phí công đoàn trong 06 tháng đầu năm 2020 cho đến ngày 30 tháng 6 năm 2020. Nếu sau thời gian này, đại dịch vẫn chưa thuyên giảm và các doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, thời gian có thể được lùi cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2020.
3.Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất
Ngày 08 tháng 4 năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Đặc biệt, Nghị định này có hiệu lực ngay tại thời điểm ban hành. Theo đó, kể từ ngày 08 tháng 4 năm 2020, các doanh nghiệp được phép gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế giá trị gia tăng (GTGT) và tiền thuê đất. Quy định cụ thể như sau:
(a) Đối tượng được áp dụng:
(i) Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế sau: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; xây dựng; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế.
(ii) Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế sau: vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch; hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí; hoạt động chiếu phim.
(iii) Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm.
(iv) Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
(v) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm công bố danh sách tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia hỗ trợ khách hàng để cơ quan quản lý thuế thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
(b) Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất
(i) Đối với thuế GTGT (trừ thuê GTGT ở giai đoạn nhập khẩu), doanh nghiệp được phép hoãn nộp thuế trong 5 tháng kể từ thời hạn nộp thuế GTGT cho số tiền chịu thuế phát sinh trong các kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5 và tháng 6 năm 2020 (đối với các trường hợp kê khai theo tháng) và kỳ tính thuế quý 1 và quý 2 năm 2020 (đối với các trường hợp kê khai theo quý). Cụ thể:
+ Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 3 năm 2020 là chậm nhất là vào ngày 20 tháng 9 năm 2020;
+ Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 4 năm 2020 là chậm nhất là vào ngày 20 tháng 10 năm 2020;
+ Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 5 năm 2020 là chậm nhất là vào ngày 20 tháng 11 năm 2020;
+ Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 6 năm 2020 là chậm nhất là vào ngày 20 tháng 12 năm 2020;
+ Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế quý I năm 2020 là chậm nhất là vào ngày 30 tháng 9 năm 2020;
+ Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế quý II năm 2020 là chậm nhất là vào ngày 30 tháng 12 năm 2020.
(ii) Đối với thuế TNDN, các doanh nghiệp cũng được phép gia hạn 5 tháng kể từ thời hạn nộp thuế TNDN cho số tiền thuế còn lại của kỳ tính thuế năm 2019 và số tiền thuế TNDN tạm nộp trong quý 1 và 2 năm 2020.
(iii) Đối với hộ gia đình và cá nhân, thuế GTGT và TNCN sẽ được trả chậm nhất vào ngày 31 tháng 12 năm 2020 cho số tiền thuế phát sinh phải nộp trong năm 2020.
(iv) Về tiền thuê đất, thời hạn trả tiền thuê hàng năm phải nộp vào kỳ đầu năm 2020 đối với các đối tượng đang được Nhà nước cho thuê trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng của cơ quan có thẩm quyền cũng sẽ được gia hạn 05 tháng
4. Thủ tục vay với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, vào ngày 09 tháng 4 năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho nhân viên từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 có thể nộp đơn tới Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam để yêu cầu được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng để trả lương hàng tháng cho những nhân viên bị ngừng việc.
I. Các chính sách hỗ trợ người lao động
1.Hưởng chế độ ốm đau trong trường hợp bị buộc cách ly
Vào ngày 13 tháng 02 năm 2020, Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam đã ban hành Công văn số 422/BHXH-CSXH hướng dẫn giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động bị buộc thực hiện cách ly y tế để phòng dịch Covid-19, trong đó Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam đề xuất những người lao động bị cách lý này được hưởng chế độ ốm đau. Theo đó, cơ sở thực hiện cách ly y tế có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận thời gian thực hiện cách ly y tế cho người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế để làm căn cứ hưởng chế độ ốm đau. Đối với những người bị cách ly y tế tại nhà thì Trạm Y tế xã, phường, thị trấn nơi người lao động cư trú căn cứ Danh sách các trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà được Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch cấp xã phê duyệt có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người lao động để làm căn cứ giải quyết chế độ ốm đau.
2.Trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc do dịch bệnh Covid-19
Vào ngày 25 tháng 3 năm 2020, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL, trong đó nếu người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 thì tiền lương ngừng việc doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Nếu doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm thì doanh nghiệp có thể:
(a) Tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động;
(b) Thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động; hoặc
(c) Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Trong trường hợp này, theo Nghị quyết số 42/NQ-CP do Chính phủ Việt Nam ban hành như được đề cập ở trên, người lao động có thể được hỗ trợ hàng tháng bởi Ngân sách Nhà nước theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, và tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 và không quá 3 tháng. Cụ thể:
(a) Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng;
(b) Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng.