Công ty Luật Hồng Bàng xin gửi tới quý khách hàng bài viết về Các đối tượng nào được bảo hộ là giống cây trồng mới? Để được giải đáp những vướng mắc về các vấn đề pháp lý cũng như tiết kiệm thời gian và công sức của bản thân, xin quý khách liên hệ với chúng tôi qua tổng đài 1900.6575.
Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày 07/11/2006. Tại thời điểm này, hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của chúng ta đã có nhiều điểm tương thích với Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ – TRIPS. Theo đó, một đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ được đề cập trong hiệp định TRIPS – giống cây trồng mới – lần đầu tiên được điều chỉnh trong Luật sở hữu trí tuệ năm 2005.
Các đối tượng được bảo hộ là giống cây trồng mới đồng thời thoả mãn các điều kiện gồm:
- Có trong danh mục loài cây trồng được nhà nước bảo hộ.
- Có tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định.
- Có tính mới của giống cây trồng về mặt thương mại.
- Có tên phù hợp quy định gồm: mỗi giống cây trồng mới chỉ được đặt một tên phù hợp, khi công nhận thì tên đó trở thành tên chính thức, duy nhất dùng trong các hoạt động liên quan đến giống cây trồng đó. Tên giống phải dễ dàng phân biệt với tên của các giống cây trồng khác cùng loài (Điều 158 Luật SHTT).
Giống cây trồng được bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam là giống cây được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển, thuộc danh mục giống cây trồng được bảo hộ do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành, có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp.
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, giống cây trồng được bảo hộ, cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn sau:
– Có tính mới: giống cây trồng được coi là có tính mới nếu vật liệu nhân giống, hoặc sản phẩm thu hoạch của giống cây trồng đó chưa được người có quyền đăng ký hoặc người được phép của người đó bán, hoặc phân phối bằng các cách khác nhau nhằm mục đích khai thác giống cây trồng trên lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký một năm, hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký sáu năm đối với giống cây trồng thuộc loài thân gỗ và cây nho, bốn năm đối với giống cây trồng khác.
– Có tính khác biệt: giống cây trồng được coi là có tính khác biệt nếu có khả năng phân biệt rõ ràng với các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi tại thời điểm nộp đơn, hoặc ngày ưu tiên của đơn nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên. Theo Khoản 2, Điều 160 của Luật Sở hữu trí tuệ, giống cây trồng đã được biết đến rộng rãi, bao gồm: giống cây trồng mà vật liệu nhân giống hoặc sản phẩm thu hoạch của giống đó đã được sử dụng một cách rộng rãi trên thị trường ở bất kỳ quốc gia nào; giống cây trồng được bảo hộ hoặc được đăng ký trong danh mục loài cây ở bất kỳ quốc gia nào; giống cây trồng là đối tượng trong đơn đăng ký của bất kỳ quốc gia nào, trừ khi đơn này bị từ chối và giống cây trồng mà bản mô tả chi tiết của giống đó đã được công bố. Theo đó, đối tượng có khả năng được sử dụng làm đối chứng trong quá trình thẩm định tính phân biệt của giống cây trồng đăng ký bảo hộ là bất kỳ một quần thể cây trồng nào đã được biết đến một cách rộng rãi.
– Có tính đồng nhất: Giống cây trồng được coi là có tính đồng nhất nếu có sự biểu hiện như nhau về các tính trạng liên quan, trừ những sai lệch trong phạm vi cho phép đối với một số tính trạng cụ thể trong quá trình nhân giống. Thuật ngữ “các tính trạng liên quan” nhằm chỉ các tính trạng được yêu cầu bảo hộ của giống cây trồng. Nói một cách khác, tính đồng nhất không được xem xét đối với các tính trạng không tham gia vào các đặc điểm di truyền của quần thể cây trồng được bảo hộ.
– Có tính ổn định: Giống cây trồng được coi là có tính ổn định nếu các tính trạng liên quan của giống cây trồng đó vẫn giữ được các biểu hiện như mô tả ban đầu, không bị thay đổi sau mỗi vụ nhân giống hoặc sau mỗi chu kỳ nhân giống trong trường hợp nhân giống theo chu kỳ.
– Có tên gọi phù hợp: Tên gọi của giống cây trồng được coi là phù hợp nếu tên đó có khả năng dễ dàng phân biệt được với tên của giống cây trồng khác đã được biết đến một cách rộng rãi trong cùng một loài hoặc loài tương tự. Người nộp đơn phải đăng ký cùng một tên gọi phù hợp cho giống cây trồng như đã được đăng ký ở các quốc gia khác, trừ trường hợp tên gọi đã đăng ký ở quốc gia khác vi phạm các điều cấm quy định tại Khoản 3, Điều 163 Luật Sở hữu trí tuệ.
Trân trọng !