Khi thực hiện việc vay tiền từ ngân hàng hay bất cứ tổ chức tài chính nào, phần lớn các khách hàng chưa nắm rõ được các quy định về phương pháp tính lãi mà một trong số đó là cách tính lãi quá hạn 150%. Nếu khách hàng không thực hiện trả nợ gốc đúng thời hạn sẽ bị phạt khoản tiền phạt thêm này theo hợp đồng đã ký kết. Công ty Luật Hồng Bàng sẽ đồng hành cùng quý khách để cùng hiểu được các quy định của pháp luật về cách tính lãi này.
Căn cứ pháp lý
Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.
Hợp đồng vay tài sản
Dưới góc nhìn của Bộ luật dân sự năm 2015, hợp đồng vay tài sản được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên mà theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn phải trả thì bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi trong trường hợp các bên có thỏa thuận cụ thể hoặc pháp luật có quy định cụ thể. Đối với trường hợp phải trả lãi, pháp luật có quy định về trả lãi trên nợ gốc, lãi chậm trả và lãi trên nợ gốc quá hạn.
Quy định pháp luật về trả lãi quá hạn 150%
Bộ luật dân sự năm 2015 quy định bên vay nếu vay tiền thì phải trả đủ số tiền đã vay của bên cho vay khi đến hạn. Việc trả lãi quá hạn 150% chỉ được đặt ra khi khoản vay giữa các bên là khoản vay có lãi theo thỏa thuận của các bên. Theo đó, có thể hiểu trả lãi quá hạn 150% là khoản tiền lãi phát sinh trên nợ gốc quá hạn chưa trả theo hợp đồng và khoản tiền này tương ứng với thời gian chậm trả.
Nhìn chung, đây là một khoản tiền lãi phát sinh do bên vay tiền không tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng vay, thời hạn vay. Do vậy, để đảm bảo về quyền lợi của bên cho vay, đặc biệt là quyền phát sinh cơ hội đầu tư từ số tiền đã cho vay của bên cho vay, pháp luật có quy định hoặc do các bên tự thỏa thuận bên vay tiền phải trả thêm khoản tiền lãi quá hạn.
Cách tính lãi suất quá hạn
Căn cứ vào quy định tại điểm b khoản 5 của Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015, nếu các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất quá hạn sẽ được tính theo lãi suất mà các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, Điều 648 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định lãi suất mà các bên thỏa thuận không được lớn hơn 20%/năm của khoản tiền vay. Nếu lãi suất vượt quá mức giới hạn này, mức lãi suất vượt quá đó sẽ không có hiệu lực. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Tuy nhiên mức lãi suất này vẫn được giữ nguyên kể từ khi Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực. Trong trường hợp các bên đã có thỏa thuận về việc trả lãi, tuy nhiên lại không có thỏa thuận cụ thể về lãi suất và có tranh chấp thì pháp luật quy định lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn nêu trên tại thời điểm trả nợ.
Để dễ hiểu hơn, Công ty Luật Innosight law đưa ra công thức sau đây để quý khách hàng tiện đọc và sử dụng:
Tiền lãi quá hạn = phần nợ gốc quá hạn chưa trả x lãi suất vay theo hợp đồng vay x 1,5 x thời gian chậm trả
Ví dụ:
Ông C cho ông D vay 200.000.000 đồng có thỏa thuận lãi suất là 10%/năm. Thời hạn của hợp đồng vay là 12 tháng, tính từ 01/07/2018 đến 01/07/2018. Đến 01/07/2018, ông D mới chỉ trả được số tiền là 100.000.000 đồng, còn 100.000.000 chưa trả được. Vậy nếu 6 tháng sau đó, ông D mới trả đủ hết số tiền thì số tiền lãi quá hạn mà ông D phải trả là:
100 triệu đồng x (10%/12) x 1,5 x 6 = 7,5 triệu đồng
Trong đó:
– 100 triệu đồng = số tiền nợ gốc quá hạn chưa trả
– 10%/12 = lãi suất theo thỏa thuận các bên
– 1,5 = 150%
– 6 (tháng) = thời gian chậm trả tương ứng
Một ví dụ khác:
Ngày 04/12/2017, bà A ký hợp đồng vay của bà B số tiền là 320.000.000 đồng với thời hạn vay là 1 năm (12 tháng). Lãi suất vay được thỏa thuận là 15%/năm. Đến này 04/12/2018 bà A chỉ mới trả cho bà B 120.000.000 đồng tiền gốc nhưng chưa trả tiền lãi vay theo đúng hợp đồng đã ký. Bà B nhiều lần hối thúc bà A trả số tiền nợ còn thiếu nhưng bà A không thực hiện. Ngày 04/06/2020, bà B nộp đơn khởi kiện A ra Tòa án huyện X để đòi lại tài sản. Như vậy, tính đến ngày 04/6/2020, số tiền mà A phải có nghĩa vụ phải trả cho B được tạm tính như sau:
– Số tiền nợ gốc chưa trả là 200.000.000 đồng.
– Thời gian chậm trả tạm tính từ ngày hết thời hạn vay trong hợp đồng (04/12/2018) đến ngày nộp đơn khởi kiện (04/06/2020) là 1 năm 6 tháng.
– Tiền lãi trong hạn = 320.000.000 đồng x 15% x 1 năm = 48.000.000 đồng
– Tiền lãi trên nợ lãi chưa trả = 48.000.000 đồng x 10% x 1 năm 6 tháng = 7.200.000 đồng
– Lãi quá hạn = 200.000.000 đồng x (150% x 15%) x 1 năm 6 tháng = 67.500.000 đồng.
Tổng cộng, A có nghĩa vụ trả cho B số tiền = 200.000.000 + 48.000.000 + 7.200.000 + 67.500.000 = 322.700.000 đồng.
Kết luận
Như vậy, việc không tuân thủ thời hạn trả nợ có thể dẫn đến việc phát sinh các chi phí đáng kể khác mà người đi vay có thể phải trả thêm. Do đó, người đi vay cần phải hết sức chú ý về thời gian trả nợ, nếu có chậm trả thì phải thực hiện trả sớm nhất có thể để mức tiền lãi không được đưa lên quá cao dẫn đến tình trạng không có khả năng thanh toán nghĩa vụ.
Trên đây là toàn bộ bài viết của chúng tôi về Tính lãi quá hạn. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như tiếp cận dịch vụ của chúng tôi, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua các hình thức sau:
Liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75;
Gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật 1900.6575;
Gửi thư yêu cầu dịch vụ qua email: info@hongbanglawfirm.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!