Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Hỏi: Căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế

Trả lời:

Bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế (BBCGQSDSC) là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền của một quốc gia – trên cơ sở quy định của pháp luật – ra quyết định cưỡng chế, buộc người nắm độc quyền phải chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cho Chính phủ hoặc cá nhân, tổ chức khác sử dụng thông qua hợp đồng bằng văn bản, với những điều kiện cơ bản đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế mà không cần được sự đồng ý của người nắm độc quyền, với mục đích ngăn chặn sự lạm dụng độc quyền được xác lập bởi Bằng độc quyền sáng chế hoặc vì mục đích cộng đồng, phi thương mại.

Về căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế:

Căn cứ BBCGQSDSC chính là cơ sở tiền đề làm phát sinh quan hệ chuyển giao quyền sử dụng sáng chế mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu (hay người nắm độc quyền). Khoản 1, Điều 145 Luật SHTT ghi nhận bốn căn cứ mà bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có đủ điều kiện (theo luật định) cũng có thể nộp đơn đến cơ quan có thẩm quyền để xin cấp phép sử dụng sáng chế bắt buộc, bao gồm:

Thứ nhất, sử dụng sáng chế vì mục đích công cộng, phi thương mại. Mục đích này có thể hiểu là để nhằm phục vụ quốc phòng, an ninh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội. Đây chính là những nội dung cơ bản thuộc chức năng đối nội của một nhà nước. Do đó, để khai thác sáng chế với mục đích bảo vệ cộng đồng như vậy, các cơ quan nhà nước sẽ trực tiếp là Bên nhận chuyển giao quyền sử dụng sáng chế bắt buộc thuộc lĩnh vực mình quản lý. Và theo điểm a, khoản 1 Điều 145, khi ở vào trường hợp này, bất chấp tư cách pháp lý của chủ sở hữu là có vi phạm nghĩa vụ sử dụng sáng chế hay không, việc BBCGQSDSC vẫn được tiến hành. Đây là điểm chung của chế định BBCGQSDSC tại các nước, phù hợp với quy định của Hiệp định TRIPs Hiêp định về những vấn đề liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ.  của WTO.

Thứ hai, người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thực hiện nghĩa vụ sử dụng sáng chế. Thông qua phương cách dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 136 và khoản 5 Điều 142 của Luật SHTT, sự vi phạm nghĩa vụ này được hiểu: mặc dù không có nhu cầu sử dụng sáng chế vì mục đích công cộng, phi thương mại, nhưng nếu chủ sở hữu hay bên được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng độc quyền đã không sử dụng sáng chế thì đây cũng được coi là căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền. Nói cách khác, tư cách pháp lý của người nắm độc quyền trong trường hợp này là chủ thể vi phạm nghĩa vụ sử dụng sáng chế.

Thứ ba, người có nhu cầu sử dụng sáng chế không đạt được thỏa thuận với người nắm độc quyền về việc ký kết hợp đồng sử dụng sáng chế, mặc dù trong một thời gian hợp lý đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thỏa đáng. Điều này có nghĩa rằng, trước khi được cấp phép sử dụng sáng chế bắt buộc, người có nhu cầu đã cố gắng thiết lập hợp đồng với chủ sở hữu nhưng không thành công. Theo quy định tại điểm c, có thể nhận thấy quan điểm chủ quan của nhà làm luật xác định kết quả đó là một cơ sở độc lập với những căn cứ còn lại và cũng được xem là một căn cứ để BBCGQSDSC. Điều này thể hiện sự khác biệt trong nhận thức của các nhà lập pháp Việt Nam với những quốc gia khác và với nội dung Điều 31(b) Hiệp định TRIPs. Quan điểm của các nước khác và WTO chỉ xem kết quả đó là một điều kiện tiên quyết để cơ quan có thẩm quyền tiếp tục xem xét căn cứ được đưa ra chứng tỏ có mối quan hệ giữa kết quả và hành vi vi phạm của chủ sở hữu. Nói khác đi, ở những quan điểm này có sự phân biệt rõ ràng điều kiện cần (không đạt được thỏa thuận) và điều kiện đủ (có hành vi trái pháp luật của chủ sở hữu đưa đến hệ quả đó).

Thứ tư, người nắm độc quyền sử dụng sáng chế bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh. Căn cứ này thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa Luật cạnh tranh và Luật SHTT trong quá trình bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Thông qua việc cấp cho chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế, nhà nước đã công nhận cho chủ thể này các độc quyền đối với sáng chế. Ngược lại, áp dụng Luật cạnh tranh tức là nhà nước sử dụng các công cụ đặc thù để kiểm soát, hạn chế độc quyền của chủ sở hữu. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất trong quá trình thực thi quyền độc quyền sử dụng sáng chế là làm sao ngăn chặn được hành vi lạm dụng của chủ sở hữu gây thiệt hại cho xã hội.

Theo Công ước Paris, hiệp định TRIPs và tại hầu hết các quốc gia có nền kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ, nếu những trường hợp lạm dụng độc quyền sử dụng sáng chế gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho cộng đồng, thì bất kỳ cá nhân, tổ chức nào mong muốn khai thác sáng chế cũng có quyền nộp đơn xin cấp phép chuyển giao quyền sử dụng sáng chế bắt buộc. Với tư cách là thành viên của Công ước Paris, đồng thời chuẩn bị phê chuẩn Hiệp định TRIPs, Việt Nam cũng đã xem những tình huống đó là các căn cứ để BBCGQSDSC.

Như vậy, có thể nhận thấy, Luật SHTT Việt Nam chế định căn cứ BBCGQSDSC như Khoản 1 của Điều 145 nhìn chung là phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG

Trân trọng !