Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Hỏi: Đề nghị giải thích về chỉ dẫn địa lý. Chỉ dẫn địa lý phải đăng ký không?

Trả lời:

Theo Điều 4 khoản 22 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009 của Việt Nam, chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ, hay quốc gia cụ thể. Như vậy trước hết chỉ dẫn địa lý phải là một dấu hiệu (có thể là hình ảnh hoặc bằng chữ hoặc kết hợp cả hai ) nhìn thấy được, dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.

Về những điều kiện chung đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ được quy định tại Điều 79 Luật SHTT 2005 sửa đổi bổ sung 2009 bao gồm:

– Thứ nhất, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;

– Thứ hai, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định. 

Như vậy, để có thể được bảo hộ dưới danh nghĩa chỉ dẫn địa lý, thì cần phải tồn tại một địa danh, và tại địa danh này một loại sản phẩm nào đó được sản xuất ra mà danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu của sản phẩm được quyết định bởi những điều kiện địa lý của địa danh đó. Vậy để sản phẩm có được những đặc tính khác biệt, bắt buộc sản phẩm đó phải được sản xuất tại địa danh đó. Chúng ta có thể lấy một số ví dụ điển hình đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận, bảo hộ là chỉ dẫn địa lý như: Nước mắm Phú Quốc; Cà phê nhân Buôn Ma Thuột; Bưởi Đoan Hùng; Vải thiều Thanh Hà; Gạo Tám Xoan…

Chỉ dẫn địa lý cần phải đăng ký. Theo quy định hiện hành thì một bộ hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cần phải có những tài liệu sau đây:

– 02 Đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN của Bộ Khoa học Công nghệ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT;

– 02 Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý;

– 02 Bản mô tả tính chất/ chất lượng/ danh tiếng của sản phẩm đăng ký cho chỉ dẫn địa lý đó;

– 10 mẫu thể hiện cách trình bày chỉ dẫn địa lý (hình ảnh, bằng chữ hoặc kết hợp cả hai) với kích thước không quá 80mm x 80mm và không nhỏ hơn 20mm x 20mm (trong trường hợp chỉ dẫn địa lý không phải là từ ngữ)

Những tài liệu trên sẽ được nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và phí đăng ký kèm theo. Sau một khoảng thời gian luật định để xem xét tính hợp pháp của đơn, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ quyết định cấp hoặc không cấp Văn bằng bảo hộ dưới dạng Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho chỉ dẫn địa lý đó.

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG

TRÂN TRỌNG!