Căn cứ pháp lý:
– Luật Doanh nghiệp 2020
– Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp
Có được thừa kế doanh nghiệp tư nhân?
Theo khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về doanh nghiệp tư nhân như sau:
“Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.”
Theo đó, doanh nghiệp tư nhân có một số đặc điểm sau:
- Do một cá nhân làm chủ: Không giống các loại hình công ty khác có nhiều chủ sở hữu, doanh nghiệp tư nhân chỉ do một cá nhân làm chủ. Đồng thời, cá nhân này cũng tự chịu trách nhiệm đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp bằng tất cả tài sản của mình (trách nhiệm vô hạn).
- Không được phát hành chứng khoán (khoản 2 Điều 188 Luật Doanh nghiệp)
- Không được quyền góp vốn thành lập/mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn (một hoặc từ hai thành viên trở lên) hoặc công ty cổ phần.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân được toàn quyền quyết định tất cả các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân cũng như việc sử dụng lợi nhuận sau thuế và thực hiện các loại nghĩa vụ tài chính khác. Đồng thời, chủ doanh nghiệp tư nhân cũng là người đại diện theo pháp luật cho doanh nghiệp tư nhân.
Theo khoản 2 Điều 193 Luật Doanh nghiệp, trong trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết thì sẽ xử lý doanh nghiệp tư nhân như sau:
“Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết thì người thừa kế hoặc một trong những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật là chủ doanh nghiệp tư nhân theo thỏa thuận giữa những người thừa kế. Trường hợp những người thừa kế không thỏa thuận được thì đăng ký chuyển đổi thành công ty hoặc giải thể doanh nghiệp tư nhân đó.”
Như vậy, nếu chủ doanh nghiệp tư nhân chết thì các đồng thừa kế hoặc người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật sẽ trở thành chủ doanh nghiệp tư nhân. Nếu không thỏa thuận được thì phải thực hiện một trong hai thủ tục:
- Đăng ký chuyển đổi thành công ty.
- Giải thể doanh nghiệp tư nhân này.
Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân không có người thừa kế thì thực hiện theo Điều 622 Bộ luật Dân sự:
“Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.”
Trong trường hợp này, sau khi thực hiện các nghĩa vụ về tài sản (trả nợ, trả lương nhân viên…) thì tài sản còn lại của doanh nghiệp tư nhân sẽ thuộc về Nhà nước.
Thủ tục đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân
Điều 54 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định cụ thể về đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân trong trường hợp chủ doanh nghiệp chết. Thủ tục thực hiện như sau:
Hồ sơ thay đổi chủ doanh nghiệp
1. Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp có chữ ký của những người thừa kế hợp pháp của chủ doanh nghiệp tư nhân.
2. Giấy tờ pháp lý của người thừa kế doanh nghiệp tư nhân: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn thời hạn (bản sao).
3. Văn bản thoả thuận phân chia/Văn bản khai nhận di sản thừa kế (bản sao).
Cơ quan giải quyết thay đổi chủ doanh nghiệp
Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Thời gian thực hiện
Ngay sau khi người có yêu cầu nộp hồ sơ, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ.
Nếu hợp lệ thì sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với thông tin về chủ doanh nghiệp tư nhân mới cho người có yêu cầu.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.