Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Luật sư phụ trách

Luật sư Nguyễn Đức Trọng
Luật sư tranh tụng

Bảo lãnh ngân hàng là nghiệp vụ nhằm ràng buộc các bên có trách nhiệm nhất định để thực hiện một hợp đồng đã thống nhất, trong đó ngân hàng đóng vai trò trung gian quan trọng. Với tư cách là người bảo lãnh cho nhà thầu một khoản tiền theo quy định, ngân hàng cam kết với chủ đầu tư về việc thực hiện hợp đồng của nhà thầu. Nếu nhà thầu vi phạm hợp đồng, gây thiệt hại trong quá trình xây dựng thì ngân hàng sẽ đứng ra trả tiền cho chủ đầu tư với số tiền đã bảo lãnh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, khung pháp lý về bảo lãnh ngân hàng vẫn còn chưa rõ ràng, gây vướng mắc trong quá trình thực hiện, đòi hỏi cần có những giải pháp nhằm hỗ trợ các chủ thể tham gia hợp đồng bảo lãnh một cách hiệu quả. Để Quý khách hàng hiểu thêm các quy định của pháp luật về bảo lãnh ngân hàng, Luật Hồng Bàng xin gửi tới quý khách hàng tư vấn về vấn đề này như sau:

  1. Quan hệ pháp lý giữa ngân hàng thương mại với nhà thầu.

Hoạt động bảo lãnh của ngân hàng thương mại (NHTM) đối với trách nhiệm của nhà thầu trong đấu thầu xây dựng được hiểu là hoạt động bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho khách hàng, đồng thời là hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng. Việc phát hành cam kết bảo lãnh (giao kết hợp đồng bảo lãnh ngân hàng) đối với bên nhận bảo lãnh thường dựa trên nhu cầu của khách hàng và khả năng của bản thân NHTM trên cơ sở đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.

 Thực hiện hoạt động bảo lãnh của NHTM đối với trách nhiệm của nhà thầu trong đấu thầu xây dựng là quá trình làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt hai mối quan hệ pháp luật sau đây:

(i) Quan hệ hợp đồng cấp bảo lãnh được xác lập giữa NHTM (bên bảo lãnh) với nhà thầu xây lắp (bên được bảo lãnh) là tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ tài sản cần được bảo đảm bằng bảo lãnh;

(ii) Quan hệ hợp đồng bảo lãnh phát sinh giữa NHTM với bên thụ hưởng (bên nhận bảo lãnh, là bên mời thầu xây dựng).

Hai quan hệ pháp luật này tuy tồn tại độc lập với nhau nhưng có ảnh hưởng chi phối lẫn nhau. Theo đó, hợp đồng cấp bảo lãnh là căn cứ hình thành hợp đồng bảo lãnh, còn hợp đồng bảo lãnh là bằng chứng về việc thực hiện hợp đồng cấp bảo lãnh giữa NHTM đối với nhà thầu xây dựng (khách hàng).

Như vậy, khi khách hàng có nhu cầu được bảo lãnh cho nghĩa vụ tài sản đối với bên nhận bảo lãnh (bên mời thầu xây dựng), NHTM sẽ thực hiện thẩm định khách hàng và nếu đủ điều kiện sẽ cung cấp dịch vụ bảo lãnh cho khách hàng (nhà thầu xây dựng). Kết quả của quá trình này là tổ chức bảo lãnh (NHTM) và khách hàng (nhà thầu xây dựng) sẽ ký hợp đồng cấp bảo lãnh.

Về nguyên tắc, các điều khoản tại hợp đồng cấp bảo lãnh là kết quả của sự thỏa thuận giữa hai chủ thể bình đẳng về mặt pháp lý. Tuy nhiên, trong thực tế, các NHTM thường xây dựng sẵn mẫu hợp đồng cấp bảo lãnh để làm cơ sở cho việc đàm phán ký kết hợp đồng.

Để thực hiện hợp đồng cấp bảo lãnh, NHTM phát hành cam kết bảo lãnh và chuyển cam kết bảo lãnh đến bên nhận bảo lãnh (bên mời thầu xây dựng). Hành động phát hành cam kết bảo lãnh của NHTM và việc chấp nhận cam kết bảo lãnh của bên nhận bảo lãnh làm phát sinh hợp đồng thứ hai – hợp đồng bảo lãnh.

Theo đó, khi đến hạn của nghĩa vụ được bảo lãnh mà bên được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ của họ, trên cơ sở chứng từ hợp lệ do bên nhận bảo lãnh xuất trình phù hợp với nội dung cam kết bảo lãnh, NHTM phải thực hiện nghĩa vụ trả thay cho bên được bảo lãnh. Đồng thời, căn cứ vào nội dung hợp đồng cấp bảo lãnh, NHTM có quyền yêu cầu khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả số tiền đã trả thay.

Như vậy, việc thực hiện hai hợp đồng nêu trên trong hoạt động bảo lãnh của NHTM đối với trách nhiệm của nhà thầu trong đấu thầu xây dựng luôn được tiến hành song hành và gắn bó chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, chúng lại mang tính độc lập với nhau, thể hiện ở chỗ hợp đồng này vô hiệu không đương nhiên làm cho hợp đồng kia vô hiệu và ngược lại.

Mặt khác, việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng này không thể bị phụ thuộc hay chi phối bởi hợp đồng kia và ngược lại. Tổ chức bảo lãnh (NHTM) với tư cách là chủ thể cấp tín dụng đồng thời là chủ thể bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả thay cho khách hàng có hai mối quan hệ pháp luật với hai đối tác khác nhau và do đó phải hành động độc lập trên cơ sở quyền và nghĩa vụ trong từng hợp đồng. Ví như trách nhiệm thanh toán của ngân hàng độc lập với quan hệ cấp bảo lãnh với người được cấp bảo lãnh. Ngân hàng phát hành không thể viện dẫn những lý do thuộc về quan hệ giữa họ với người được bảo lãnh để trì hoãn thanh toán nếu như chứng từ hoàn toàn phù hợp với các điều khoản trong hợp đồng. Chẳng hạn, ràng buộc giữa người được bảo lãnh và ngân hàng phát hành không chặt chẽ, người được bảo lãnh bị phá sản hay người được bảo lãnh vẫn còn nợ ngân hàng…

Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, một số loại hình bảo lãnh của các NHTM như: Bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh hợp đồng, bảo lãnh bảo hành… thường xuyên diễn ra. Cụ thể, ngân hàng với tư cách là người bảo lãnh cho nhà thầu một khoản tiền theo quy định, cam kết với chủ đầu tư về việc thực hiện hợp đồng của nhà thầu. Nếu nhà thầu vi phạm hợp đồng, gây thiệt hại trong quá trình xây dựng thì ngân hàng sẽ đứng ra trả tiền cho chủ đầu tư với số tiền đã bảo lãnh.

Hoạt động bảo lãnh của NHTM đối với trách nhiệm của nhà thầu trong đấu thầu xây dựng hiện đang tạo ra nguồn thu không nhỏ cho các NHTM thực hiện bảo lãnh, tuy nhiên bên cạnh đó cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Vấn đề “bảo lãnh của NHTM đối với trách nhiệm của nhà thầu trong đấu thầu xây dựng” hiện đang được coi là “một bước chuẩn bị nhỏ” nhưng chắc chắn phải gặp trong đấu thầu xây dựng. Đây là vấn đề tiên quyết đảm bảo sự hợp lệ của hồ sơ dự thầu (căn cứ pháp lý để thực hiện quá trình đấu thầu).

Tuy nhiên, hiện nay các tranh chấp phát sinh giữa NHTM (bên bảo lãnh) và khách hàng (bên được bảo lãnh) và người thụ hưởng (bên nhận bảo lãnh) ngày càng nhiều cho thấy, pháp luật hiện hành về hoạt động bảo lãnh bảo hành chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn hội nhập quốc tế. Thực tế này đòi hỏi yêu cầu hoàn thiện pháp luật về bảo lãnh của NHTM đối với trách nhiệm của nhà thầu trong đấu thầu xây lắp, để đáp ứng quá trình phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ở Việt Nam đang trở nên cấp bách.

  1. Nguyên nhân phát sinh tranh chấp trong quá trình triển khai bảo lãnh ngân hàng

Thời gian qua, hoạt động bảo lãnh của NHTM đối với trách nhiệm của nhà thầu trong đấu thầu xây dựng đã đạt được nhiều kết quả, góp phần hỗ trợ tăng trưởng của nền kinh tế, khẳng định vị trí và vai trò trong nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, hoạt động này đang gặp không ít những khó khăn, bất cập do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, trước tiên phải kể đến đó là do pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về các tranh chấp cũng như giải quyết tranh chấp trong hoạt động bảo lãnh ngân hàng nói chung và hoạt động bảo lãnh của NHTM đối với trách nhiệm của nhà thầu trong đấu thầu xây dựng nói riêng. Tuy nhiên, thông qua các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động này có thể phân thành hai nhóm tranh chấp như sau:

Thứ nhất, tranh chấp phát sinh trong quá trình quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo lãnh ngân hàng. Đây là các tranh chấp phát sinh khi Nhà nước cấp giấy phép hoạt động, hoặc trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo lãnh ngân hàng của NHTM.

Thứ hai, tranh chấp phát sinh trong quá trình NHTM thực hiện hoạt động bảo lãnh trách nhiệm của nhà thầu trong đấu thầu xây lắp, đó là các tranh chấp phát sinh khi thực hiện hợp đồng bảo lãnh trách nhiệm của nhà thầu trong đấu thầu xây dựng, hợp đồng cấp bảo lãnh trách nhiệm của nhà thầu trong đấu thầu xây dựng. Đây là nhóm tranh chấp phổ biến trong hoạt động bảo lãnh trách nhiệm của nhà thầu trong đấu thầu xây dựng.

Một số nguyên nhân dẫn đến tranh chấp này như: Tranh chấp phát sinh do xung đột lợi ích giữa các chủ thể; Tranh chấp phát sinh do lạm dụng con dấu, ký không đúng thẩm quyền; Tranh chấp do bên bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đã cam kết; Tranh chấp phát sinh do bên nhận bảo lãnh làm giả hồ sơ đề nghị thanh toán bảo lãnh; Tranh chấp phát sinh do làm giả chứng thư bảo lãnh.

Bối cảnh trên cho thấy, việc không ngừng nâng cao, hoàn thiện hệ thống pháp luật về hoạt động bảo lãnh của NHTM đối với trách nhiệm của nhà thầu trong đấu thầu xây lắp tại Việt Nam là một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!

Công ty Luật Hồng Bàng./.