Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Luật sư phụ trách

Luật sư Nguyễn Đức Trọng
Luật sư tranh tụng

Thư tín dụng thương mại (Letter of Credit – L/C) là một chứng thư (điện hoặc chứng chỉ), trong đó ngân hàng phát hành L/C sẽ cam kết trả tiền cho người hưởng lợi nếu họ xuất trình phù hợp với các điều kiện và điều khoản của L/C, với các điều khoản có thể áp dụng của UCP 600 và các tập quán ngân hàng tiêu chuẩn quốc tế 681 ICC.

Thư tín dụng thương mại hình thành trên cơ sở của hợp đồng cơ sở, nhưng sau khi được phát hành, nó loại hoàn toàn độc lập với hợp đồng cơ sở. Đây là tính chất quan trọng của L/C. Tính chất của L/C được quy định rất chặt chẽ trong UCP 600 2007 ICC: “Về bản chất, L/C là những giao dịch riêng biệt với các hợp đồng mua bán hoặc các hợp đồng khác mà các hợp đồng này có thể làm cơ sở của L/C và các ngân hàng không bị liên can đến hoặc bị ràng buộc vào các hợp đồng như thế, thậm chí ngay cả trong L/C có bất cứ sự dẫn chiếu nào đến các hợp đồng đó”.

Nội dung và quy trình thanh toán bằng LC

Các nội dung chủ yếu của L/C

Số hiệu, địa điểm và ngày phát hành L/C

Tất cả L/C đều phải có số hiệu riêng của nó. Tác dụng của số hiệu là để trao đổi chứng từ, điện tín có liên quan đến việc thực hiện L/C. 

Địa điểm phát hành L/C là nơi ngân hàng phát hành L/C viết cam kết trả tiền cho người hưởng lợi. Địa điểm này có ý nghĩa trong việc chọn luật giải quyết tranh chấp.

Ngày phát hành L/C là ngày bắt đầu phát sinh cam kết của ngân hàng phát hành L/C đối với người hưởng lợi L/C, là ngày bắt đầu tính thời hạn hiệu lực của L/C và là căn cứ để người xuất khẩu kiểm tra xem người nhập khẩu thực hiện việc mở L/C có đúng hạn như đã quy định tài hợp đồng hay không.    

Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến L/C

Những người có liên quan đến L/C có thể chia thành hai loại: thương nhân và ngân hàng. Các thương nhân bao gồm: người nhập khẩu (người yêu cầu mở L/C), người xuất khẩu (người hưởng lợi L/C). Các ngân hàng tham gia trong phương thức tín dụng chứng từ bao gồm ngân hàng phát hành L/C, ngân hàng thông báo, ngân hàng trả tiền, ngân hàng xác nhận. 

Số tiền của thư tín dụng

Số tiền của L/C vừa được ghi bằng số, vừa được ghi bằng lời và thống nhất với nhau. Không thể chấp nhận một thư tín dụng có số tiền ghi bằng số và bằng lời mâu thuẫn với nhau. 

Tên của đơn vị tiền tệ phải rõ ràng. Cùng một tên gọi là đô la nhưng trên thế giới có nhiều loại đô la khác nhau như đô la Mỹ, đô la Úc, đô la Canada, đô la Hồng Kông,… Để tránh nhầm lẫn, nên sử dụng ký hiệu tiền tệ ISO. 

Nên tránh ghi số tiền dưới dạng một số tuyệt đối. Một khi giá trị hàng đã giao không khớp với giá trị trên L/C thì khó có thể được thanh toán, vì ngân hàng sẽ đưa ra lý do chứng từ không phù hợp với những điều kiện và điều khoản ghi trong thư tín dụng. Cách ghi số tiền tốt nhất là ghi một số giới hạn mà người xuất khẩu có thể đạt được dù hàng giao có tính chất nguyên cái hay rời. Ví dụ: “for a sum or sums not exceeding a total of X USD” (một số tiền không quá tổng số là X đô la Mỹ) hoặc ghi một giới hạn chênh lệch hơn kém X% của tổng số tiền mà người xuất khẩu có quyền xuất trình chứng từ thanh toán như: “For an amount of X USD more and less X%)

Theo bản quy tắc và thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ số 600 2007, những từ “khoảng chừng” (about), “độ khoảng” (circa) hoặc những từ tương tự được dùng để chỉ mức độ số tiền của L/C nên hiểu là cho phép xê dịch hơn kém không được quá 10% của tổng số tiền đó. 

Ngoài ra bản quy tắc còn quy định “trừ khi L/C quy định số lượng hàng giao không được kém, còn thì được phép có một khoảng dung sai trong phạm vi hơn kém 5%, miễn là tổng số tiền chi trả luôn luôn không được vượt quá số tiền của L/C. Không được quy định dung sai này khi L/C quy định số lượng tính bằng đơn vị bao, kiện đã được nói rõ hoặc tính bằng đơn vị thiếc. 

Thời hạn hiệu lực, thời hạn trả tiền và thời hạn giao hàng ghi trong L/C

  • Thời hạn hiệu lực của L/C là thời hạn mà ngân hàng phát hành cam kết trả tiền cho người hưởng lợi, nếu người hưởng lợi xuất trình chứng từ trong thời hạn đó và phù hợp với những quy định trong L/C. Thời hạn hiệu lực của L/C bắt đầu tính từ ngày phát hành (date of issue) đến ngày hết hiệu lực của L/C (expiry date). 
  • Thời hạn trả tiền (date of payment) là thời hạn trả tiền ngay hay trả tiền về sau. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào quy định của hợp đồng. Nếu việc đòi tiền bằng hối phiếu thì thời hạn trả tiền được quy định ở yêu cầu ký phát hối phiếu. Thời hạn trả tiền có thể nằm trong thời hạn hiệu lực của L/C, nếu như trả tiền ngay hoặc có thể nằm ngoài thời hạn hiệu lực của L/C, nếu như trả tiền có kỳ hạn. Song điều quan trọng là những hối phiếu có kỳ hạn phải được xuất trình để chấp nhận trong thời hạn có hiệu lực của L/C. 
  • Thời hạn giao hàng (Shipment date) cũng được ghi trong L/C và do hợp đồng mua bán quy định, thời hạn giao hàng có quan hệ chặt chẽ với thời hạn hiệu lực của L/C.

Những nội dung về hàng hoá

Như tên hàng, số lượng, trọng lượng, giá cả, quy cách phẩm chất, bao bì, ký mã hiệu,… được ghi vào thư tín dụng. Tuy nhiên, đối với những hàng hoá nào có các quy cách phẩm chất phức tạp, thể hiện dài, thì người ta không ghi vào L/C phát hành bằng điện , mà phát hành bằng thư gửi kèm theo. 

Những nội dung về vận tải, giao nhận hàng hoá

Như điều kiện cơ sở giao hàng (FOB, CIF, CFR), nơi gửi và nơi giao hàng, cách vận chuyển và cách giao hàng từng phần hay toàn phần, chuyển tải hay đi thẳng, v.v… cũng được ghi vào thư tín dụng.  

Những chứng từ mà người hưởng lợi phải xuất trình

Chứng từ quy định trong L/C là một bằng chứng của người xuất khẩu chứng minh rằng đã hoàn thành nghĩa vụ giao hàng và làm đúng những quy định trong L/C, do vậy ngân hàng phát hành L/C phải dựa vào đó để tiến hành trả tiền cho người xuất khẩu, nếu các chứng từ phù hợp với những điều kiện và điều khoản quy định trong L/C.

Về chứng từ, ngân hàng phát hành L/C thường yêu cầu người hưởng lợi L/C thỏa mãn những điều kiện sau đây:

  • Các loại chứng từ mà người hưởng lợi L/C phải xuất trình. Căn cứ vào số loại chứng từ tối thiểu quy định trong hợp đồng, người nhập khẩu quy định cụ thể  hoá các loại chứng từ mà người xuất khẩu phải xuất trình.
  • Số lượng bản chính và bản sao mỗi loại.
  • Yêu cầu ký phát từng loại chứng từ đó như thế nào. 

Ví dụ:

  • Hối phiếu đòi nợ được ký phát đòi tiền ai? Thời hạn trả tiền ngay hay trả tiền về sau? Đòi toàn bộ hay đòi một phần giá trị của hoá đơn thương mại.
  • Vận đơn đường biển loại gì? Theo lệnh hay đích danh? Hàng đã bốc lên tàu (shipped on board) hay nhận hàng để chở (received for shipment), có yêu cầu B/L hoàn hảo không (clean), B/L làm theo lệnh của ai hay là B/L đích danh, cước phí trả trước hay trả sau (freight prepaid or freight to collect), có vận đơn theo hợp đồng thuê tàu không (Charter party B/L), có nhận vận đơn đến chậm không (stale B/L).
  • C/O loại hình thức nào, ai cấp? 

Sự cam kết trả tiền của ngân hàng phát hành L/C

Đây là nội dung cam kết, ràng buộc trách nhiệm của ngân hàng phát hành L/C. Sự cam kết có thể được thể hiện qua:

  1. Sự cam kết thực sự (engagement).
  2. Sự cam kết có điều kiện (conditional engagement).
  3. Sự cam kết dự phòng (bảo lưu), tức là ngân hàng chỉ cam kết trả tiền các hối phiếu xuất trình đúng hạn với điều kiện là chứng từ xuất trình có phù hợp với các điều kiện và điều khoản của L/C, với các điều khoản có thể áp dụng của UCP 600 và với các tập quán ngân hàng tiêu chuẩn quốc tế 681 2007 ICC.  

Những điều khoản đặc biệt khác

Ngoài những nội dung kể trên, khi cần thiết ngân hàng phát hành L/C có thể thêm những nội dung khác, ví dụ như có thể hoàn trả tiền bằng điện (T/T reimbursement).

Chữ ký của ngân hàng phát hành L/C

L/C thực chất là một khế ước dân sự, do đó người ký nó cũng phải là người có đầy đủ năng lực hành vi, năng lực pháp lý để tham gia và thực hiện quan hệ pháp luật. Nếu phát hành L/C bằng thư, chữ ký trên chứng chỉ L/C phải đúng với chữ ký đã được đăng ký giữa hai ngân hàng phát hành L/C và ngân hàng thông báo L/C trong thỏa thuận đại lý giữa hai ngân hàng đó. Nếu phát hành L/C bằng telex, thay vì chữ ký nói trên bằng keytest (mã khóa điện tử), hoặc bằng SWIFT là mã SWIFT BIC của ngân hàng mình.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề này. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, 0912.35.53.53 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: info@hongbanglawfirm.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!

Công ty Luật Hồng Bàng./.