Căn cứ vào Khoản 9 Điều 3 Luật Thương mại 2005 “Cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên (sau đây gọi là bên cung ứng dịch vụ) có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ (sau đây gọi là khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận.”
Như vậy, có thể xác định được hợp đồng cung ứng dịch vụ mà khách hàng là doanh nghiệp đang bị vi phạm quyền lợi là một hợp đồng thương mại.
Đối với một hợp đồng thương mại nói chung (bao gồm cả hợp đồng thương mại quốc tế và hợp đồng thương mại trong nước), phương thức giải quyết tranh chấp thương mại tựu chung có thể chia làm hai loại chính: (i) phương thức xét xử tại toà án; và (ii) phương thức giải quyết tranh chấp ngoài toà án. Trong đó, các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài toà án thông thường bao gồm: Thương lượng, Hoà giải, Trọng tài thương mại.
Tuy nhiên, đối với nhiều vụ tranh chấp có tính chất phức tạp, mang tính quốc tế, hoặc có chủ thể trong tranh chấp đặc biệt (ví dụ như tranh chấp giữa một thương nhân với một quốc gia) thì cũng sẽ được giải quyết tranh chấp theo những cơ chế đặc biệt như thông qua bảo hộ ngoại giao, thông qua các mô hình đặc biệt như ICSID…
Phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng
Hiện nay, có tương đối đa dạng các định nghĩa về thương lượng, song vẫn chưa có một định nghĩa nào là thống nhất về mặt pháp lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Dù câu chữ trong các định nghĩa có sự khác biệt, nhìn chung thương lượng là một quá trình giải quyết tranh chấp mang tính đồng thuận. Nói cách khác, thương lượng là một quá trình cho phép hai hay nhiều bên đạt được mục tiêu bằng sự nhất trí mà không bên nào mong muốn hoặc có thể đạt được điều đó một mình.[1]
Theo xu hướng phát triển của pháp luật, các điều ước quốc tế và pháp luật các quốc gia (đặc biệt là các quốc gia phát triển) đều quy định theo hướng khuyến khích các bên trong một tranh chấp thương mại sử dụng phương thức thương lượng. Cũng chính vì vậy mà các quy định về biện pháp giải quyết tranh chấp bằng thương lượng rất ít và hạn chế, không chi tiết hoặc không can thiệp vào sâu quá trình giải quyết tranh chấp của các bên như là quy định về các phương thức giải quyết tranh chấp khác. Việc thương lượng theo quy trình, nội dung, địa điểm… chủ yếu phụ thuộc vào chính các bên trong tranh chấp.
Về ưu điểm, phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng cho các bên trong tranh chấp sự linh hoạt và kiểm soát hoàn thìan các lợi ích cơ bản của mình trong mọi quá trình của việc giải quyết tranh chấp.[2] Trường hợp khách hàng là một doanh nghiệp đang bị vi phạm quyền lợi trong hợp đồng cung ứng dịch vụ, việc sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng có thể giúp các bên giữ vững được mối quan hệ hợp tác, hữu nghị và tinh thần thiện chí. Nhờ đó, các bên sau khi giải quyết tranh chấp vẫn có thể tiếp tục hợp tác làm ăn và tiếp tục mang lại lợi ích cho nhau về mặt lâu dài.
Ngoài ra, biện pháp thương lượng cũng được xem là nhanh chóng nhất và ít chi phí nhất nếu như các bên có thể sử dụng được một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, trường hợp cả hai bên có thể sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, các bên có thể chủ động trong việc giữ bí mật kinh doanh, giữ thể diện và uy tín cho cả hai bên trong tranh chấp.
Về mặt hạn chế, Nhược điểm chính của phương thức này là sự bất cân xứng trong sức mạnh và quyền lực của các bên có thể chi phối quá trình thương lượng.[3] Các doanh nghiệp lớn và tập đoàn đa quốc gia có thể gây áp lực về mặt pháp lý, chính trị và kinh tế nhằm đạt được các mục đích của mình. Do đó, bản thân các bên nếu muốn sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp này cần tự đánh giá được vị trí của mình, nếu không có thể dẫn tới tình trạng thương lượng không hiệu quả. Hơn nữa, không phải lúc nào việc thương lượng cũng diễn ra nhanh chóng và tiết kiện chi phí, nhất là khi các tranh chấp phức tạp liên quan nhiều đến khoa học/ công nghệ… Nhược điểm của phương thức giải quyết tranh chấp này còn nằm ở chỗ thông tin do các bên cung cấp trong quá trình thương lượng sẽ không được điều tra và đánh giá toàn diện như khi sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hoặc toà án.
Trong trường hợp một bên trong tranh chấp muốn áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền lợi của mình, phương thức thương lượng cũng bộc lộ nhiều điểm không phù hợp. Nhân tố quan trọng nhất trong quá trình giải quyết tranh chấp bằng thương lượng là sự thiện chí của các bên. Nếu như một trong hai bên thiếu đi sự thiện chí, quá trình thương lượng sẽ chỉ gây thêm tốn kém, kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp. Trình độ của các bên trong việc xây dựng chiến thuật thương lượng cũng đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng tới kết quả cuối cùng của tranh chấp.
Cũng cần lưu ý thêm rằng, ngay cả khi thương lượng thành công, kết quả của thương lượng chỉ là một bản thoả thuận chung và các bên cần có sự thiện chí để tự thực hiện thoả thuận đó.
Phương thức giải quyết tranh chấp bằng hoà giải
Theo Black’s Law Dictionary, “Hoà giải là một quá trình giải quyết tranh chấp mang tính chất riêng tư, trong đó hoà giải viên là người thứ ba trung gian giúp các bên tranh chấp đạt được một sự thoả thuận.” Hoà giải thường được tiến hành dưới hai dạng: (i) là một bước thủ tục trong quá trình tố tụng tại toà án hoặc trọng tài; (ii) là một phương thức giải quyết tranh chấp độc lập. So với thương lượng, hoà giải có sự xuất hiện của một hoà giải viên hoặc một hội đồng hoà giải viên.
Về mặt ưu điểm, Hoà giải có thể coi như một bước tiến cao hơn của thương lượng, bởi theo quá trình phát triển tự nhiên, khi bản thân hau bên tranh chấp mặc dù đã đưa ra những lựa chọn tốt nhất có thể của mình nhằm giải quyết bất đồng nhưng vẫn không thể làm hài hoà mối quan hệ, việc tìm đến một bên thứ ba để có cái nhìn khách quan hơn là một điều tất yếu xảy ra.[4] Bên thứ ba trong quá trình hoà giải (hoà giải viên, hội đồng hoà giải viên) chỉ đóng vai trò hỗ trợ các bên và giúp các bên tìm ra phương án tối ưu nhất chứ không có quyền trực tiếp tham gia vào đàm phán; do vậy phương pháp giải quyết tranh chấp bằng hoà giải vẫn giữ được hầu hết các ưu điểm của phương pháp giải quyết tranh chấp bằng thương lượng (đã trình bày).
Ngoài ra, hoà giải còn khắc phục được hạn chế về mặt nhận thức của các bên so với thương lượng bằng việc lựa chọn bên thứ ba làm trung gian hoà giải có trình độ, chuyên môn cao, nhiều kỹ năng, kinh nghiệm, từ đó có thể giúp các bên nhanh chóng đạt được kết quả nhất.
Về mặt hạn chế, Chi phí mặc dù không tốn kém, thủ tục linh hoạt nhưng so với thương lượng, các bên vẫn phải trả phí dịch vụ cho bên thứ ba. Mặt khác, cũng giống như thương lượng, kết quả của việc giải quyết tranh chấp trong trường hợp thành công là một bản thống nhất chung giữa các bên và không có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Do vậy, việc thực hiện thoả thuận hoàn toàn xuất phát từ sự tự nguyện của các bên.
Tuy nhiên, may mắn thay, kể từ khi có Bộ luạt Tố tụng Dân sự 2015 và Nghị định 22/2017/NĐ-CP về Hoà giải thương mại có hiệu lực, khi các bên đồng ý với việc đề nghị Toà án công nhận kết quả hoà giải thành, kết quả này sẽ là cuối cùng. Ngược lại, trường hợp hoà giải trong tố tụng tại Toà án, nếu các bên thoả thuận được và Toà án ra biên bản công nhận hoà giải thành, các bên vẫn có 07 ngày để thay đổi quyết định của mình trước khi Toà án ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự
Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại.
Khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010 “Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này.” Khái niệm “thương mại”, theo Luật Trọng tài thương mại năm 2010 được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm (i) tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; và (ii) tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
Hiện nay, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được rất nhiều các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp. Nguyên tắc cơ bản và nền tảng của phương thức giải quyết tranh chấp này đó là “Trọng tài chỉ tiến hành khi có thoả thuận của các bên”. Đièu này thể hiện ý nghĩa của sự tự nguyện của các bên, là nền tảng ý chí trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Hơn nữa, trọng tài chỉ có thẩm quyền ra phán quyết trên những vấn đề tranh chấp được các bên thống nhất đưa ra trọng tài.
Về ưu điểm, đầu tiên, phải kể đến tính chung thẩm và hiệu lực của quyết định trọng tài đối với việc giải quyết tranh chấp. Tính chung thẩm của quyết định trọng tài vẫn có giá trị bắt buộc đối với các bên đương sự, ngoià ra còn khiến các bên không thể chống án hay kháng cáo. Do đó, các bên sẽ tiết kiện được rất nhiều thời gian và chi phí khi tranh chấp không bị kéo dài thêm.
Ngoài ra, do Trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính bảo mật cao nên các bên đương sự tham gia vào thủ tục tố tụng trọng tài cũng không sợ bị mất uy tín, bị lộ bí mật kinh doanh, các chi tiết trong vụ tranh chấp không bị mang ra trước công chúng,…
Bên cạnh đó, do các tranh chấp thường không mang tính chất “thuần thương mại” mà rất có thể liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như xây dựng, công nghệ, khoa hoc, tài chính, đầu tư, bảo hiểm… Khi giải quyết bằng Trọng tài, các bên có quyền lựa chọn Trọng tài viên có trình độ chuyên môn phù hợp với đối tượng tranh chấp, góp phần nâng cao hiệu quả, tính công bằng và chính xác trong giải quyết tranh chấp.
Một ưu điểm tiếp theo của phương thức giải quyết tranh chấp này đó là sự linh hoạt, mềm dẻo. Các bên khi tham gia vào thủ tục tố tụng Trọng tài có thể tự do lựa chọn thủ tục, thời gian, địa điểm, chọn người trực tiếp đứng ra giải quyết tranh chấp (Trọng tài viên). Nhờ sự tự chủ trong quyết định, các bên có thể lựa chọn các phương án phù hợp nhất với trường hợp đang gặp phải.
Về nhược điểm, cần luôn chú ý rằng Thỏa thuận trọng tài là điều kiện bắt buộc phải có để tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài. Nếu như một trong hai bên không đồng ý đưa vụ tranh chấp ra trọng tài thì các bên không thể sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp này để giải quyết vụ tranh chấp mà họ đang gặp phải được.
Chi phí cũng là một nhược điểm thường được nhắc tới kèm với phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài. So với các phương thức giải quyết tranh chấp khác, chi phí theo quy định khi các bên muốn nhờ đến các tổ chức trọng tài thương mại hay trọng tài quốc tế thường cao hơn rất nhiều.
Phương thức giải quyết tranh chấp tại toà án
Theo phương thức này, các thương nhân đưa tranh chấp giữa họ ra toà án – cơ quan tài phán Nhà nước, toà án nhân danh Nhà nước để xem xét, giải quyết và đưa ra phán quyết bắt buộc các bên phải tuân thủ và thi hành. Phán quyết của toà án có thể bị háng cáo, kháng nghị để xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm. Đây là phương thức truyền thống trong giải quyết tranh chấp nói chung và cũng là phương thức duy nhất mang tính quyền lực nhà nước.[5]
Thẩm quyền của toà án (về vụ việc, về lãnh thổ, về cấp xét xử), trình tự và thủ tục xét xử được pháp luật (điều ước quốc tế liên quan và pháp luật trong nước) quy định một cách chặt chẽ. Việc giải quyết các tranh chấp thương mại tư trong nước bằng phương thức toà án thì đương nhiên thuộc về thẩm quyền của toà án trong nước và bằng pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung của chính quốc gia đó. Thực tiễn hoạt động giải quyết tranh chấp trong kinh doanh hiện nay ở các nước trên thế giới như Anh – Mỹ, Đức, Pháp… thì các hình thức như thương lượng, hoà giải, rọng tài chiếm ưu tế, còn ở Việt Nam thì việc giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại bằng con đường Toà án đóng vai trò quan trọng nhất, được các chủ thể tranh chấp lựa chọn.[6]
Về ưu điểm, do tính chất mang ý chí quyền lực nhà nước và quyết định của toà án có hiệu lực khiến các bên bắt buộc thực thi, việc khách hàng là một doanh nghiệp đang bị xâm phạm quyền lợi trong hợp đồng cung ứng dịch vụ lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp tại Toá án có thể yên tâm rằng phán quyết của Toà án mang tính cưỡng chế rất cao. Nếu các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế bởi cơ quan thi hành án. Các bên được bảo toàn quyền lợi và nghĩa vụ của mình bắt buộc phải thực hiện theo phán quyết của Tòa. Bên cạnh đó, nguyên tắc xét xử công khai cũng mang tính răn đe rất lớn đối vớ những thương nhân kinh doanh vi phạm pháp luật bởi trong kinh doanh, uy tín và danh tiếng là cực kỳ quan trọng.
Vì toàn án mang tính quyền lực nhà nước, đại diện nhà nước, mang tính chủ quyền quốc gia nên nhìn chung, khi giải quyết tranh chấp tại toà án, việc triệu tập người có liên quan, thực hiện các thủ tục điều tra dễ dàng hơn hẳn so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác. Chi phí cũng thường được cho là một trong các ưu điểm của việc giải quyết tranh chấp bằng toà án bởi các bên không cần trả thù lao cho thẩm phán, các lệ phí hành chính rất hợp lý và đã được quy định rõ ràng trong luật, đảm bảo tính minh bạch rất cao.
Về mặt hạn chế, nhược điểm được coi là lớn nhất của phương thức giải quyết tranh chấp này đó là sự thiếu linh hoạt. Việc thiếu linh hoạt đến từ việc thủ tục tố tụng đã được quy định rất chặt chẽ và chi tiết trong luật, điều này phần nào hạn chế sự chủ động giữa các bên trong tranh chấp và không có lợi đối với cả nguyên và bị đơn. Một nhược điểm thứ hai cần lưu ý đối với khách hàng đang bị vi phạm quyền lợi trong hợp đồng cung ứng dịch vụ đó là, phán quyết tại toà án thường bị kháng cáo. Mặc dù phúc thẩm giúp cho phán quyết trọng tài được trở nên chính xác hơn, tuy nhiên lại khiến cho thời gian thực hiện thủ tục tố tụng bị kéo dài, mất thời gian và tiền bạc của các bên. Việc xét xử công khai cũng có nguy cơ khiến bí mật kinh doanh của các bên trong vụ kiện bị lộ, và uy tín trên thương trường bị giảm sút.
Trong trường hợp hợp đồng cung ứng dịch vụ của khách hàng có yếu tố nước ngoài, dẫn tới vụ tranh chấp mang tính chất quốc tế, thì rất cần lưu ý rằng bản án của toà án quốc gia chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó. Nếu như muốn bản án được công nhận tại nước ngoài, cần thực hiện các thủ tục công nhận hiệu lực của bản án tại nước ngoài. Còn trong trường hợp khách hàng muốn giải quyết tranh chấp tại toà án nước ngoài bản án của toà án ngay lập tức có hiệu lực tại một quốc gia nhất định, thì mặc dù thẩm phán quốc gia có thể khách quan; họ vẫn phải buộc sử dụng ngôn ngữ và áp dụng quy tắc tố tụng của quốc gia họ và thường cùng quốc tịch với một bên. Điều này vô tình khiến cho phía đối thù của khách hàng trong tranh chấp có được lợi thế hơn.
[1] Giáo trình Pháp luật về giải quyết tranh chấp Thương mại quốc tế – Đại học Luật Hà Nội, NXB Tư pháp, tr.283.
[2] J. Merrills, International Dispute Settlêmnt, 5th edn, Cambridge University Press, 2011, tr.35.
[3] Xem Annabel Elkington, John Holtam, Gemma Shield, Tony Simmonds, Skills for Lawyers, 2011 và Andrew J.Pirie, Alternative Dispute Resolution: Skills, Science, and the Law, Irwin Law Inc, 2000, tr.94.
[4] Thực trạng pháp luật về phương thức hòa giải các tranh chấp thương mại ở Việt Nam : luận văn thạc sĩ Luật học / Nguyễn Quỳnh Hoa ; PGS. TS. Nguyễn Viết Tý hướng dẫn, tr. 15,16.
[5] Giáo trình Pháp luật về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, Đại học Luật Hà Nội, NXB. Tư pháp, tr.21.
[6] Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại tại toà án nhân dân – Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động: Luận văn thạc sĩ luật học/ Phạm Thị Ban; TS. Nguyễn Thị Dung hướng dẫn.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề này. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, 0912.35.53.53 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: info@hongbanglawfirm.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.