Căn cứ pháp lý:
- Pháp lệnh ngoại hối 2005;
- Nghị định 70/2014/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi;
- Thông tư 186/2010/TT-BTC hướng dẫn việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của tổ chức, cá nhân nước ngoài có lợi nhuận từ việc đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo quy định của Luật Đầu tư do Bộ Tài chính ban hành;
- Thông tư 19/2014/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành;
- Thông tư 156/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 83/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
Chi nhánh công ty nước ngoài thành lập tại Việt Nam thực hiện việc chuyển lợi nhuận về công ty mẹ tại nước ngoài như thế nào?
- Chi nhánh chỉ có thể chuyển lợi nhuận hàng năm về công ty mẹ.
Theo khoản 5 Điều 19 Luật thương mại 2005 thì Chi nhánh của thương nhân nước ngoài được phép chuyển lợi nhuận ra nước ngoài nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Theo đó, thời điểm chuyển lợi nhuận ra nước ngoài được quy định rất chặt chẽ tại Điều 4 Thông tư 186/2010/TT-BTC, bao gồm chuyển lợi nhuận hàng năm và chuyển lợi nhuận khi kết thúc hoạt động đầu tư trực tiếp với điều kiện đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật liên quan đến thu nhập hình thành nên khoản lợi nhuận mà nhà đầu tư nước ngoài chuyển ra nước ngoài.
Như vậy, nếu muốn chuyển về công ty mẹ lợi nhuận từng lần, thường xuyên theo tháng, theo quý từ hoạt động đào tạo thì chi nhánh không thể thực hiện được mà chỉ có thể chuyển lợi nhuận hàng năm. Theo Khoản 1 Điều 11 Pháp lệnh ngoại hối 2005, việc chuyển lợi nhuận này phải được thực hiện thông qua tài khoản ngoại tệ mở tại một tổ chức tín dụng được phép.
- Chi nhánh vẫn có thể chuyển tiền về công ty mẹ dưới hình thức nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam.
Khoản 2 Điều 11 Pháp lệnh ngoại hối 2005, Điều 9 Nghị định 70/2014/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi, Điều 9 Thông tư 19/2014/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành đều quy định như sau: “trường hợp có nhu cầu chuyển các nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam từ hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam ra nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài được mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép và chuyển ra nước ngoài trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày làm việc, kể từ ngày mua được ngoại tệ”. Tuy nhiên, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam, nên có thể chuyển được hay không sẽ phụ thuộc vào ngân hàng.
Chi nhánh công ty nước ngoài thành lập tại Việt Nam thực hiện việc kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp như thế nào?
Khoản 7 Điều 12 Thông tư 156/2013/TT-BTC quy định: “Khai thuế thu nhập doanh nghiệp đối với trường hợp doanh nghiệp có cơ sở sản xuất (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp) hạch toán phụ thuộc hoạt động tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với địa bàn nơi đơn vị đóng trụ sở chính thì khi nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp tại nơi đóng trụ sở chính có trách nhiệm khai tập trung tại trụ sở chính cả phần phát sinh tại nơi đóng trụ sở chính và ở nơi có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc.” Như vậy, việc nộp thuế của chi nhánh được xác định trong hai trường hợp sau:
- Trường hợp chi nhánh hạch toán độc lập kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh;
- Trường hợp chi nhánh hạch toán phụ thuộc hoạt động tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với địa bàn nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính thì thực hiện kê khai thuế tại nơi có trụ sở chính. Sau đó doanh nghiệp phân bổ số thuế phải nộp về cơ quan thuế quản lý trực tiếp chi nhánh đó.
Như vậy, chi nhánh vẫn phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động kinh doanh đào tạo với thuế suất 10% như bình thường, tương tự với thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật. Tùy trường hợp hạch toán độc lập hay hạch toán phụ thuộc mà nơi nộp thuế sẽ khác nhau, có thể là cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh hoặc tại trụ sở chính của công ty sau đó doanh nghiệp phân bổ số thuế phải nộp về cơ quan thuế quản lý trực tiếp chi nhánh đó. Về nghĩa vụ thuế cụ thể, cách tính và phương pháp tính thuế bạn có thể tham khảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật thuế giá trị gia tăng và một số văn bản liên quan.
Thủ tục tại ngân hàng khi thực hiện việc chuyển lợi nhuận
Về vấn đề thủ tục tại ngân hàng, trường hợp chuyển lợi nhuận về công ty hàng năm sau khi đã hoàn thiện các nghĩa vụ tài chính, bạn cần mở một tài khoản ngoại tệ mở tại một tổ chức tín dụng được phép. Trường hợp chuyển lợi nhuận dưới hình thức nguồn thu nhập hợp pháp về công ty mẹ, bạn cần tiến hành mua ngoại tệ và chuyển ngoại tệ. Thủ tục cụ thể sẽ phụ thuộc vào tùy ngân hàng.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Mr Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 24/7: 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.