Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Luật sư phụ trách

Luật sư Nguyễn Đức Trọng
Luật sư tranh tụng

Tạm trú là gì? Vì sao phải đăng ký tạm trú

Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú. Có thể hiểu đây là nơi sinh sống tạm thời, có thời hạn ngoài nơi thường trú của công dân.

Đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp Sổ tạm trú (khoản 1 Điều 30 Luật Cư trú năm 2006).

Việc đăng ký tạm trú sẽ giúp cơ quan Nhà nước quản lý công dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.

Đồng thời, việc đăng ký tạm trú không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của công dân để thực hiện một số thủ tục thuận tiện hơn. Điển hình như việc mua nhà, đầu tư bất động sản, đăng ký sở hữu xe máy, ô tô, đăng ký kinh doanh, cho con đi học, vay vốn, huy động vốn từ ngân hàng…

Khi nào phải đăng ký tạm trú?

Theo khoản 2 Điều 30 Luật Cư trú 2006, người đang sinh sống, làm việc, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại công an xã, phường, thị trấn.

Trường hợp đã đăng ký tạm trú nhưng không sinh sống, làm việc, học tập tại nơi đã đăng ký tạm trú thì người đó sẽ bị xóa tên trong sổ đăng ký tạm trú.

Thủ tục đăng ký tạm trú mới nhất năm 2021

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký tạm trú

Hồ sơ đăng ký tạm trú gồm:

– Bản khai nhân khẩu (mẫu HK01);

– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (mẫu HK02);

– Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp (trừ trường hợp được chủ hộ có sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đồng ý cho đăng ký tạm trú thì không cần xuất trình giấy tờ về chỗ ở).

Trường hợp thuê, mượn, ở nhờ chỗ ở hợp pháp thì khi đăng ký tạm trú phải có ý kiến đồng ý cho đăng ký tạm trú của người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ tại phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ tên và ngày, tháng, năm.

– Xuất trình chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đăng ký thường trú.

Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký tạm trú

Công dân đến nộp hồ sơ tại Công an xã, phường, thị trấn nơi tạm trú. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu với các quy định của pháp luật về cư trú:

– Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy biên nhận trao cho người nộp.

– Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng thiếu thành phần hồ sơ hoặc biểu mẫu, giấy tờ kê khai chưa đúng, chưa đầy đủ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn cho người đến nộp hồ sơ.

– Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì không tiếp nhận và trả lời bằng văn bản cho công dân, nêu rõ lý do không tiếp nhận.

Bước 3: Nhận kết quả đăng ký tạm trú

– Trường hợp được giải quyết đăng ký tạm trú: Nộp lệ phí và nhận Sổ tạm trú.

Lưu ý: Kiểm tra lại các thông tin được ghi trong sổ tạm trú và ký nhận vào sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu (ký, ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm nhận kết quả).

– Trường hợp không giải quyết đăng ký tạm trú: Nhận lại hồ sơ đã nộp; kiểm tra lại giấy tờ, tài liệu có trong hồ sơ; nhận văn bản về việc không giải quyết đăng ký tạm trú và ký nhận vào sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu.

Thời hạn giải quyết và lệ phí đăng ký tạm trú

Thời hạn giải quyết:

Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ hồ sơ công dân sẽ được đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú.

Lệ phí đăng ký tạm trú:

Theo quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư 250/2016/TT-BTC).

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Mr Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 24/7: 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!

Công ty Luật Hồng Bàng./.