Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Vậy chỉ dẫn địa lý là gì? Với nhiều năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Luật Hồng Bàng xin đưa ra tư vấn về Thủ tục Đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam như sau:
Căn cứ pháp lý
- Luật sở hữu trí tuệ
- Thông tư 01/2007/TT-BKHCN-Hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp
- Thông tư 18/2011/TT-BKHCN-Sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 31/7/2010 và Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 04/2009/TT-BKHCN ngày 27/3/2009
- Nghị định 103/2006/NĐ-CP-Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp
- Thông tư 13/2010/TT-BKHCN-Sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 17/2009/TT-BKHCN ngày 18/6/2009 và Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007
- Thông tư 05/2013/TT-BKHCN-Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 30/7/2010 và Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN ngày 22/7/2011
Điều kiện bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý
Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
- Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.
Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý:
- Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam;
- Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng;
- Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ hoặc đã được nộp theo đơn đăng ký nhãn hiệu có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa;
- Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.
Điều kiện địa lý liên quan tới chỉ dẫn địa lý:
- Các điều kiện địa lý liên quan đến chỉ dẫn địa lý là những yếu tố tự nhiên, yếu tố về con người quyết định danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.
- Yếu tố tự nhiên bao gồm yếu tố về khí hậu, thuỷ văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác.
- Yếu tố về con người bao gồm kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương.
Thành phần hồ sơ, trình tự thực hiện
Hồ sơ gồm có:
- 02 bản đăng ký chỉ dẫn địa lý theo mẫu số 05 – CDĐL Phụ lục A Thông tư 01/2007 / TT-BKHCN;
- Mô tả bản chất / chất lượng cụ thể và / hoặc danh tiếng của sản phẩm;
- Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
- Biên lai nộp phí;
- Giấy ủy quyền (nếu đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được nộp thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp);
- Văn bản xác nhận cho phép sử dụng dấu hiệu đặc biệt (nếu yêu cầu bảo hộ có biểu tượng, cờ hiệu, phù hiệu của cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế …);
- Tài liệu xác nhận quyền đăng ký;
- Văn bản xác nhận quyền đăng ký từ người khác;
- Giấy tờ chứng minh quyền ưu tiên (nếu hồ sơ có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên).
Thủ tục, trình tự thực hiện:
Bước 1: Nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý:
Người nộp đơn có thể lựa chọn hình thức nộp đơn trực tiếp tại bộ phận một cửa của Cục Sở hữu trí huệ hoặc đơn trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ
Bước 2: Thẩm định đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Đánh giá việc tuân thủ các quy định về hình thức của đơn, từ đó đưa ra kết luận xem đơn đó có hợp lệ hay không.
Trường hợp đơn đã nộp có sai sót, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thông báo cho người nộp đơn và trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày thông báo, người nộp đơn phải sửa chữa những sai sót đó.
Bước 3: Ra thông báo chấp nhận / từ chối hồ sơ:
Trong trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo chấp nhận đơn.
Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo từ chối chấp nhận đơn.
Bước 4: Công bố đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý:
Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được đăng Công báo sở hữu công nghiệp.
Bước 5: Thẩm định nội dung:
Thủ tục này nhằm đánh giá khả năng bảo hộ của chỉ dẫn địa lý được nêu trong đơn. Thời hạn thẩm định nội dung là 06 tháng, kể từ ngày công bố đơn.
Bước 6: Ra quyết định cấp / từ chối cấp văn bằng bảo hộ
Trường hợp đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng yêu cầu bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;
Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng yêu cầu bảo hộ và người nộp đơn nộp lệ phí, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ cấp văn bằng bảo hộ và ghi vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu trí tuệ, đăng Công báo sở hữu trí tuệ.
Cơ quan thực hiện
Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ
Dịch vụ của Luật Hồng Bàng
- Tư vấn pháp luật về thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý;
- Soạn thảo hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý;
- Nộp hồ sơ và theo dõi tiến trình tại Cục Sở hữu trí tuệ;
- Trao đổi, cung cấp thông tin cho khách hàng trong tiến trình làm thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý tại cơ quan nhà nước
- Thay mặt khách hàng nhận kết quả;
- Bàn giao kết quả cho khách hàng.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề này. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, 0912.35.53.53 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: info@hongbanglawfirm.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.