Định nghĩa di chúc
“ Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.” ( Điều 624 BLDS 2015 )
Đặc điểm của di chúc
Di chúc có những đặc điểm chính như sau :
- Di chúc là ý chí đơn phương của cá nhân.
Một cá nhân, thông qua việc lập di chúc, chính là xác lập một giao dịch dân sự về thừa kế. Giao dịch dân sự này “thể hiện ý chí đơn phương” của người để lại di sản – một bên chủ thể trong giao dịch dân sự về thừa kế. Qua đó, chuyển giao một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình cho một người khác hoặc một pháp nhân khác đã được xác định trong di chúc mà không cần biết người đó có nhận di sản của mình hay không. Nếu như hợp đồng hoặc các giao dịch dân sự hai bên được hình thành thông qua sự thỏa thuận ý chí của các bên chủ thể khác nhau thì di chúc chỉ là sự quyết định đơn phương từ một bên chủ thể. Ngay cả đối với di chúc của một cặp vợ chồng, mặc dù có hai người lập ra di chúc nhưng di chúc vẫn mang tính chất quyết định đơn phương.
- Di chúc nhằm chuyển dịch tài sản của người lập di chúc cho một chủ thể khác mà đã được xác định trong di chúc.
Thực tế, một người chỉ lập di chúc trước khi chết khi họ có một khối tài sản và đã có ý định chuyển giao tài sản của mình cho ai. Nếu như người thừa kế không được chỉ định trong di chúc thì kể cả khi di chúc hợp pháp thì nó vẫn không có ý nghĩa gì do không làm phát sinh việc thừa kế theo di chúc. Di chúc sẽ đem lại ý nghĩa về mặt vật chất đối với người thừa kế theo di chúc, đối với quá trình chuyển dịch tài sản cũng như trở thành phương tiện để cho người lập di chúc thực hiện quyền định đoạt của mình.
- Di chúc là loại giao dịch dân sự mà nó chỉ phát sinh hiệu lực khi người xác lập nó qua đời.
Theo khoản 1 điều 643 BLDS 2015 “Di chúc phát sinh hiệu lực và thời điểm mở thừa kế” Tức là, di chúc bắt đầu có hiệu lực tại thời điểm mà người lập di chúc chết.
Điều kiện để di chúc hợp pháp
“Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lí dơn phương nhằm làm phát sinh, thay đổi hặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.” (Đ116 BLDS 2015).
Di chúc được coi là hành vi pháp lí đơn phương nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Do đó, di chúc cũng được coi là một loại giao dịch dân sự.
Theo điều 117 BLDS 2015, một giao dịch dân sự có hiệu lực khi thỏa mãn đủ các điều kiện về chủ thể, về mục đích, nội dung, về ý chí và về hình thức. Cụ thể, một bản di chúc được coi là hợp pháp khi thỏa mãn các điều kiện sau :
Về chủ thể :
- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự phù hợp.
- Người đã thành niên hoặc từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi, có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc ( Điều 625 BLDS 2015). Luật quy định trường hợp này do dưới góc độ pháp lí, một cá nhân chỉ có thể được coi là hoàn chỉnh về mặt nhận thức và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự khi đủ 18 tuổi trở lên. Với những trường hợp từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi, nếu muốn lập di chúc thì cần có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ cũng chính vì lí do đó.
- Người không bị mất năng lực hành vi dân sự. Đảm bảo yêu cầu về nhận thức đối với người lập di chúc “người lập di chúc minh mẫn, tỉnh táo, sáng suốt khi lập di chúc” ( điểm a, khoản 1 điều 630 BLDS 2015). Đây là một quy định của luật được sử dụng để bảo vệ người lập di chúc, để họ không mắc phải những sai lầm đáng tiếc hoặc bị kẻ gian lợi dụng.
Về mục đích, nội dung :
- Không vi phạm điều cấm của luật, không trái với đạo đức xã hội ( điểm c, khoản 1 điều 117 ; điểm b khoản 1 điều 630 BLDS 2015 ). Nếu như trong nội dung của di chúc có chứa điều cấm của luật hoặc trái với đạo đức xã hội, di chúc đó sẽ bị vô hiệu ( một phần hoặc toàn bộ ).
Về ý chí của người lập di chúc :
- Chủ thể lập di chúc phải hoàn toàn tự nguyện ( điểm b khoản 1 điều 117; điểm a khoản 1 điều 630 BLDS 2015 ). Di chúc phải được xác lập trên tinh thần tự nguyện của chủ thể và sẽ không có hiệu lực nếu như không có tính tự nguyện của người viết di chúc đó. Di chúc bị coi là thiếu tính tự nguyện của người lập di chúc nếu :
- Người lập di chúc bị lừa dối
- Người lập di chúc bị đe dọa
- Người lập di chúc bị cưỡng ép
- Quy định này giúp bảo vệ quyền và lợi ích của chủ thể lập di chúc cũng như những người thừa kế được chỉ định trong di chúc, đồng thời hạn chế tạo ra lỗ lổng luật pháp mà kẻ gian có thể lợi dụng.
Về hình thức của di chúc :
- Tuân thủ yêu cầu về hình thức của luật (khoản 2 điều 117 BLDS 2015 )
- Di chúc của người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi phải được lập thành văn bản ( khoản 2 điều 630 BLDS 2015)
- Di chúc miệng phải được người làm chứng ghi lại thành văn bản và phải được công chứng, chứng thực chậm nhất là sau 5 ngày kể từ ngày người lập di chúc thể hiện ý chí cuối cùng ( khoản 5 điều 630 ).
- Di chúc không có công chứng, chứng thực , xác nhận chỉ được coi là hợp pháp nếu do người lập di chúc tự tay viết.
Sở dĩ chúng ta cần có những yêu cầu cụ thể về mặt hình thức đối với một bản di chúc để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng cũng như dễ dàng xác định được di chúc có đáp ứng đầy đủ các điều kiện để trở nên hợp pháp hay không.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề này. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, 0912.35.53.53 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: info@hongbanglawfirm.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.