Trong quá trình hoạt động và vận hành một doanh nghiệp, việc rơi vào tình trạng khó khăn là không thể tránh khỏi, thậm chí có thể dẫn tới không thể tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh. Đặc biệt trong thời kì dịch Covid-19 hiện nay, các doanh nghiệp đều gặp khó khăn về kinh tế và phương thức duy trì doanh nghiệp qua đại dịch. Lúc này một giải pháp hữu hiệu để chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp có thể kể đến giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động kinh doanh một thời gian. Để hiểu thêm về vấn đề này, Luật Hồng Bàng kính mời bạn đọc tham khảo các điều kiện giải thể doanh nghiệp và thủ tục liên quan tới giải thể doanh nghiệp
ĐIỀU KIỆN GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP?
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014, khi doanh nghiệp muốn thực hiện thủ tục giải thể phải đáp ứng được các yêu cầu sau:
- Đảm bảo thanh toán đầy đủ các khoản nợ đối với khách hàng và đối tác;
- Đảm bảo không còn nợ thuế;
- Đã đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên đầy đủ;
- Không còn bất kỳ một nghĩa vụ tài chính nào chưa thanh toán;
Do đó nếu một doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán các khoản nợ của mình thì không thể làm thủ tục giải thể doanh nghiệp được. Trường hợp này bắt buộc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải gửi đơn ra Tòa án yêu cầu làm thủ tục phá sản doanh nghiệp.
THỦ TỤC GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP
Doanh nghiệp muốn giải thể phải thực hiện lần lượt qua các bước sau:
Bước 1: Thông qua quyết định giải thể công ty và thông báo cho các bên liên quan
Việc giải thể phải được thông qua bởi chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, bởi Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, bởi Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần và bởi các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh.
Quyết định giải thể doanh nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau:
– Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
– Lý do giải thể;
– Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp; thời hạn thanh toán nợ, thanh lý hợp đồng không được vượt quá 06 tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể;
– Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động;
– Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Sau khi quyết định giải thể được thông qua, doanh nghiệp phải thông báo cho những người có quyền và lợi ích liên quan đến hoạt động giải thể doanh nghiệp biết về quyết định giải thể. Trường hợp doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải gửi kèm theo quyết định giải thể phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan.
Bước 2: Thanh lý tài sản và thanh toán các khoản nợ của công ty
Khoản 2 và Khoản 5 Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về người tổ chức thanh lý tài sản và thứ tự thanh toán nợ. Theo đó, chủ doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty, Hội đồng quản trị trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định thành lập tổ chức thanh lý riêng. Các khoản nợ phải được thanh toán ưu tiên theo thứ tự luật định: Đó là các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc đến nợ thuế và các khoản nợ khác,…
Bước 3: Hoàn thiện và nộp hồ sơ giải thể
Thành phần hồ sơ giải thể bao gồm:
1.Thông báo về việc giải thể doanh nghiệp;
2.Biên bản họp và Quyết định của Đại hội cổ đông về việc giải thể doanh nghiệp;
3.Danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán các khoản nợ về thuế và nợ bảo hiểm xã hội;
4.Danh sách người lao động hiện có và quyền lợi người lao động đã được giải quyết;
5.Xác nhận của Ngân hàng nơi Công ty mở tài khoản về việc doanh nghiệp đã tất toán tài khoản (trường hợp chưa mở tài khoản tại Ngân hàng, thì có văn cam kết chưa mở tài khoản và không nợ tại bất kỳ Ngân hàng, tổ chức cá nhân nào).
6.Giấy tờ chứng minh doanh nghiệp đã đăng bố cáo giải thể theo quy định.
7. Thông báo của Cơ quan Thuế về việc đóng mã số thuế; (trường hợp chưa đăng ký thuế thì phải có văn bản xác nhận của Cơ quan Thuế).
Đối với việc Doanh nghiệp làm thủ tục hoàn thành nghĩa vụ Thuế trước với cơ quan thuế thì cần chuẩn bị hồ sơ gồm các giấy tờ sau đây:
- Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế, kê khai theo mẫu ban hành kèm theo thông tư trên;
- Quyết định giải thể của Chủ sỡ hữu công ty/ Hội đồng thành viên / Đại hội đồng cổ đông;
- Biên bản họp của các Hội đồng thành viên / Đại hội đồng cổ đông trên về việc thông qua quyết định giải thể công ty;
- Văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Tổng cụ Hải quan (nếu doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu)
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp
8.Giấy chứng nhận của Cơ quan công an về việc doanh nghiệp đã nộp, hủy con dấu theo quy định (trường hợp chưa khắc con dấu thì phải có văn bản xác nhận của Cơ quan Công an
Đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập trước năm 2015 mà sử dụng dấu do cơ quan Công An cấp thì chuẩn bị hồ sơ trả lại mẫu con dấu cho cơ quan công an bao gồm các giấy tờ sau:
- Công văn xin trả mẫu dấu;
- Con dấu và giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu do Công An cấp;
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
9.Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp thành lập trước ngày 01/01/2000 phải nộp thêm Giấy phép thành lập doanh nghiệp);
10.Báo cáo về việc thực hiện thủ tục giải thể, trong đó có cam kết đã thanh toán hết các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, giải quyết các quyền lợi hợp pháp của người lao động.
11.Trường hợp doanh nghiệp có chi nhánh, VPĐD thì phải nộp kèm theo hồ sơ giải thể (chấm dứt hoạt động) của chi nhánh, VPĐD.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn, vui lòng liên hệ trực tiếp với: Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nguyễn Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.