Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Luật sư phụ trách

Luật sư Nguyễn Đức Trọng
Luật sư tranh tụng

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên nhiều doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động kinh doanh của mình dẫn đến tình trạng phá sản. Trong bài viết này, Công ty Luật Hồng Bàng sẽ cung cấp cho các bạn một số thông tin về điều kiện và trình tự mở thủ tục phá sản doanh nghiệp theo quy định hiện hành.

I. Phá sản doanh nghiệp là gì?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật phá sản 2014:

“ 2. Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.”

Như vậy, để được công nhận là phá sản, doanh nghiệp phải đáp ứng đồng thời cả hai điều kiện

+ Mất khả năng thanh toán;

+ Bị tòa án tuyên bố phá sản.

Trong đó, doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán đã được quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật phá sản 2014: “ Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”.

 Việc doanh nghiệp không thực hiện được khả năng thanh toán được hiểu như sau:

Thứ nhất, khoản nợ mà doanh nghiệp không thanh toán được khi đến hạn là khoản nợ không có bảo đảm. Chỉ khi doanh nghiệp không thanh toán được khoản nợ không có bảo đảm và bị chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ bảo đảm một phần đòi thì mới xác định doanh nghiệp đó mất khả năng thanh toán;

Thứ hai, Doanh nghiệp không thanh toán được khoản nợ trong vòng 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán;

Thứ ba, không căn cứ vào khoản nợ của doanh nghiệp là ít hay nhiều, mà căn cứ vào khả năng trả nợ của doanh nghiệp vào thời điểm chủ nợ yêu cầu;

Thứ tư, khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đó không còn tài sản để trả nợ. Doanh nghiệp đó có thể còn hoặc có nhiều tài sản tuy nhiên tài sản đó lại không thể bán để trả nợ được. Vì khi làm như vậy, doanh nghiệp cũng bị phá sản vì không thể hoạt động được nữa;

Thứ năm, khi xác định doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, chỉ căn cứ vào việc doanh nghiệp không thanh toán được các khoản nợ trong kinh doanh.

II. Thủ tục phá sản doanh nghiệp

Bước 1: Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Khi yêu cầu Tòa án nhân dân mở thủ tục phá sản, các chủ thể có quyền và nghĩa vụ theo Luật phá sản phải làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Theo quy định tại Điều 30 Luật phá sản 2014, người có yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền bằng một trong các phương thức sau:

Nộp trực tiếp tại Tòa án nhân dân;

Gửi đến Tòa án nhân dân qua bưu điện.

 Ngày nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được tính từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.

Bước 2: Tòa án xem xét đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Sau khi nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án xem xét đơn và xử lý như sau:

–  Phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 31 Luật phá sản 2014: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Chánh án Tòa án nhân dân phân công một Thẩm phán hoặc Tổ Thẩm phán gồm 03 Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

–  Xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:

Theo Điều 32 Luật phá sản 2014 quy định về xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn yêu cầu và xử lý như sau:

Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ: Thẩm phán sẽ ra thông báo thông báo về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản;

Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không đủ các nội dung quy định thì Thẩm phán thông báo cho bạn sửa đổi, bổ sung đơn;

Chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân khác;

Trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi thuộc trường hợp trả lại đơn quy định trong Luật phá sản.

–  Chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho tòa án nhân dân có thẩm quyền:

Trong trường hợp Tòa án nhân dân xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nhưng không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, Tòa án nhân dân này có trách nhiệm chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền và thông báo cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản biết.

–  Thông báo sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:

Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không đủ nội dung quy định thì Tòa án nhân dân thông báo cho người nộp đơn biết để sửa đổi, bổ sung. Thời hạn sửa đổi, bổ sung do Tòa án nhân dân ấn định, nhưng không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày người nộp đơn nhận được thông báo; trường hợp đặc biệt, Tòa án nhân dân có thể gia hạn nhưng không quá 15 ngày.

–  Trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:

Tòa án nhân dân quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trong các trường hợp sau:

Người nộp đơn không đúng theo quy định tại Điều 5 của Luật phá sản 2014;

Người nộp đơn không thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định tại Điều 34 của Luật này;

Tòa án nhân dân khác đã mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp mất khả năng thanh toán; Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản rút đơn yêu cầu theo quy định tại Khoản 2 Điều 37 của Luật này;

Người nộp đơn không nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản.

–  Tòa án xem xét dựa kết quả thương lượng giữa chủ nợ nộp đơn và doanh nghiệp.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có quyền đề nghị bằng văn bản gửi Tòa án nhân dân để các bên thương lượng việc rút đơn. Tòa án nhân dân ấn định thời gian thương lượng nhưng không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ.

Trường hợp các bên thỏa thuận được với nhau về việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Tòa án nhân dân trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Trường hợp thương lượng không thành hoặc hết thời hạn thương lượng mà các bên không tiến hành thương lượng thì Tòa án nhân dân thông báo cho người nộp đơn nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản và thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của Luật phá sản.

Bước 3: Thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản. Trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản thì thời điểm thụ lý được tính từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ.

Thông báo việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn, Tòa án nhân dân phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, các cơ quan, tổ chức đang giải quyết vụ việc liên quan đến doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán do các bên cung cấp và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì Tòa án nhân dân phải thông báo cho các chủ nợ do doanh nghiệp, hợp tác xã cung cấp.

Trường hợp người nộp đơn không phải là doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án nhân dân, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán phải xuất trình cho Tòa án nhân dân các giấy tờ, tài liệu theo quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật phá sản.

Bước 4: Tòa án quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, trừ trường hợp quy định tại Điều 105 của Luật phá sản.

Thẩm phán ra quyết định mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

Trường hợp cần thiết, trước khi ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán có thể triệu tập phiên họp với sự tham gia của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, cá nhân, tổ chức có liên quan để xem xét, kiểm tra các căn cứ chứng minh doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán

Tòa án nhân dân ra quyết định không mở thủ tục phá sản nếu xét thấy doanh nghiệp không thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán.

Quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân phải được gửi cho người nộp đơn, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, chủ nợ, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính và đăng trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân và 02 số báo địa phương liên tiếp nơi doanh nghiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán có trụ sở chính.

Quyết định không mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân phải được gửi cho người nộp đơn, doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Thời hạn gửi và thông báo quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản là 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định.

Bước 5: Hội nghị chủ nợ

Đây là cuộc họp của các chủ nợ do Thẩm phán triệu tập và chủ trì để thảo luận và quyết định các vấn đề liên quan đến việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

Thời hạn Thẩm phán triệu tập Hội nghị chủ nợ là 20 ngày kể từ ngày kết thúc việc kiểm kê tài sản trong trường hợp việc kiểm kê tài sản kết thúc sau việc lập danh sách chủ nợ hoặc kể từ ngày kết thúc việc lập danh sách chủ nợ trong trường hợp việc kiểm kê tài sản kết thúc trước việc lập danh sách chủ nợ, trừ trường hợp không phải tổ chức Hội nghị chủ nợ theo quy định tại Điều 105 của Luật Phá sản;

Hội nghị chủ nợ sẽ được tiến hành hợp lệ nếu có số chủ nợ tham gia đại diện cho lớn hơn hoặc bằng 51% tổng số nợ không có bảo đảm. Nếu không đáp ứng điều kiện thì Thẩm phán sẽ hoãn hội nghị và tổ chức lại trong vòng 30 ngày sau.

Hội nghị chủ nợ có quyền đưa ra một trong các kết luận sau:

Đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản;

Đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh;

Đề nghị tuyên bố phá sản.

Thông qua hội nghị chủ nợ, doanh nghiệp có thể được phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc bị phá sản

Bước 6: Phục hồi doanh nghiệp

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết có nội dung áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh thì doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán phải xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh và gửi cho Thẩm phán, chủ nợ, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản cho ý kiến;

Thẩm phán sẽ tổng hợp ý kiến về phương án phục hồi của các bên và đưa ra hội nghị chủ nợ để xem xét thông qua.

Bước 7: Ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản

Khi doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng vẫn không có khả năng thanh toán, Thẩm phán ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản.

Bước 8: Thi hành Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản

Thanh lý tài sản phá sản;

Phân chia tiền thu được từ việc bán tài sản của doanh nghiệp cho các đối tượng theo thứ tự phân chia tài sản.

Về Lệ phí, chi phí phá sản: Lệ phí phải nộp khi thực hiện thủ tục phá sản

Khi công ty yêu cầu mở thủ tục phá sản thì lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định hiện hành là 1,500,000 đồng (Danh mục Án phí, lệ phí tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14).

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng,

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG