Lex Mercatoria là gì ?
– Hiện tại chưa có một định nghĩa thống nhất về Lex Mercatoria.
– Lex Mercatoria là Luật của thương nhân và là một phần của luật thương mại được sử dụng bởi các thương nhân trên khắp châu Âu thời kỳ trung cổ. Nó phát triển thành một hệ thống các tập quán và thực tiễn tốt nhất mà được thực thi bởi hệ thống các toà thương nhân dọc các tuyến giao thương chính.
Đặc điểm của Lex Mercatoria
– Là luật xuyên quốc gia, bao gồm tất cả các luật điều chỉnh hành động hoặc sự kiện vượt ra khỏi biên giới quốc gia (tức là bao gồm cả luật trong nước như luật về hợp đồng, antitrust law, tư pháp quốc tế cho đến luật quốc tế công, gồm luật tập quán và các điều ước quốc tế).
– Thủ tục nhanh chóng và tự do.
– Nhấn mạnh quyền tự do hợp đồng và tự do chuyển nhượng động sản;
– Phán quyết liên quan không phải do các phán quyết gia chuyên nghiệp thực hiện mà bởi chính các thương nhân (yếu tố lịch sử);
– Lex mercatoria được cơ quan xét xử sử dụng trong việc giải quyết tranh chấp thường đảm bảo vụ việc được giải quyết theo nguyên tắc công bằng.
– Nguồn chủ yếu của Lex Mercatoria là các tập quán của thương nhân, bên cạnh đó cũng còn nhiều tranh cãi xoay quanh việc một số loại nguồn khác như luật quốc tế công cộng, luật thống nhất, nguyên tắc chung của pháp luật và quy tắc của các tổ chức quốc tế, hợp đồng mẫu chuẩn và báo cáo trọng tài….có được coi là Lex Mercatoria hay không.
– Lex Mercatoria vẫn đang được tạo ra và không thể được coi là một bộ luật được thống nhất hóa. Do sự khác biệt hiện có liên quan đến các nguồn của lex Mercatoria, xảy ra tranh chấp tồn tại liên quan đến nội dung của Lex Mercatoria là không thể tránh khỏi.
Thứ tự áp dụng Lex Mercatoria trong giải quyết tranh chấp
Trong thương mại quốc tế, tập quán nói chung và Lex Mercatoria nói riêng, nếu được áp dụng, ràng buộc các bên như các điều khoản ngầm định trong hợp đồng. Chính vì vậy, tập quán có thứ tự ưu tiên cao hơn so với các quy định có trong Luật thành văn, bởi lẽ một khi xảy ra tranh chấp giữa các bên trong hợp đồng thì thỏa thuận lựa chọn nguồn luật phải là cơ sở đầu tiên được xem xét rút ra các giải pháp để giải quyết tranh chấp.
Ngoài ra, Lex Mercatoria còn được áp dụng trong trường hợp luật pháp quốc gia mà các bên chọn hoặc điều ước quốc tế có dẫn chiếu đến hoặc do hội đồng trọng tài lựa chọn.
Lợi thế của Lex Mercatoria so với các nguồn luật khác
Ưu điểm chính của luật thương nhân là khả năng thích ứng theo nhu cầu của thương mại quốc tế hiện đại và khả năng áp dụng thống nhất của nó.
Đầu tiên, Lex Mercatoria phản ánh nhu cầu và lợi ích kinh doanh thực tế, cho phép sự áp dụng kết hợp giữa các hệ thống luật khác nhau. Thứ hai, chúng sẽ được áp dụng thống nhất và do đó tránh được sự xung đột của các hệ thống luật pháp quốc gia. Trong trường hợp được áp dụng tại trọng tài thương mại quốc tế, không cần phải bản địa hóa luật áp dụng. Bằng cách không ràng buộc với luật pháp quốc gia, các trọng tài viên có toàn quyền áp dụng luật theo cách họ thấy phù hợp và ưu tiên công bằng hơn bất cứ điều gì khác. Áp dụng Lex Mercatoria cũng giúp loại bỏ việc tìm kiếm luật hợp đồng phù hợp hay nói chung là các quy tắc xung đột của pháp luật.
Hơn nữa, tính linh hoạt của lex Mercatoria trở nên hữu ích hơn, đặc biệt là trong các hợp đồng dài hạn, nơi các quyền và nghĩa vụ của các bên thay đổi theo thời gian, trong đó các trường hợp không lường trước có thể phát sinh.
Đánh giá chung
Lex Mercatoria đã nhận rất nhiều sự chỉ trích đến từ giới chuyên môn, đặc biệt là tại các nước theo hệ thống thông luật. Có một số các câu hỏi đã được đặt ra như việc làm thế nào để xác minh được tính phù hợp và tiêu chuẩn của một quy tắc Lex Mercatoria; hay làm sao có thể dự đoán được kết quả của một nguyên tắc khi nó chưa được xác minh hay đồng thuận bởi những căn cứ vững chắc (chưa được trọng tài áp dụng để giải quyết mâu thuẫn, chưa được áp dụng vào các bản án, chưa xuất hiện trong án lệ nào….); khi áp dụng những nguyên tắc như vậy sẽ đạt được kết quả gì ?
Bất chấp những lời chỉ trích, cần thừa nhận rằng Lex Mercatoria đã tạo ra những tác động đáng chú ý đối với luật trọng tài thương mại quốc tế. Nó đã thu hút sự chú ý bởi vì nó đưa ra một cách tiếp cận thực tế hơn giữa các thương nhân và tôn trọng tính tự do thỏa thuận của hợp đồng. Với sự phát triển hơn nữa, nó thậm chí có thể trở thành một bộ quy tắc độc lập và nhất định để giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế theo cách hiệu quả hơn hệ thống luật pháp quốc gia hoặc luật quốc tế.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề này. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, 0912.35.53.53 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: info@hongbanglawfirm.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.