Hiện nay nhiều cặp vợ – chồng do nhiều vấn đề dẫn tới ly hôn. Tuy nhiên, không phải cuộc ly hôn nào cũng là ly hôn đồng thuận và không phải ly hôn theo yêu cầu của một bên cũng được Tòa án chấp nhận. Như vậy căn cứ ly hôn là gì theo yêu cầu của một bên? Để làm rõ vấn đề này, Luật Hồng Bàng kính mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Theo quy định tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, việc Ly hôn theo yêu cầu một bên được quy định như sau:
Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
- Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứvề việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
- Trong trường hợpvợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
- Trong trường hợpcó yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Căn cứ thứ nhất: Có hành vi bạo lực gia đình của vợ, hoặc chồng
Bạo lực gia đình là một dạng của bạo lực xã hội, là “Hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình” (Điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007). Có thể nhận diện bạo lực gia đình ở những hình thức chủ yếu sau:
– Bạo lực về thể chất: là hành vi ngược đãi, đánh đập thành viên gia đình, làm tổn thương tới sức khỏe, tính mạng của họ.
– Bạo lực về tinh thần: là những lời nói, thái độ, hành vi làm tổn thương tới danh dự, nhân phẩm, tâm lý của thành viên gia đình.
– Bạo lực về kinh tế: là hành vi xâm phạm tới các quyền lợi về kinh tế của thành viên gia đình (quyền sở hữu tài sản, quyền tự do lao động…).
– Bạo lực về tình dục: là bất kỳ hành vi nào mang tính chất cưỡng ép trong các quan hệ tình dục giữa các thành viên gia đình, kể cả việc cưỡng ép sinh con.
Mỗi hình thức bạo lực có thể được biểu hiện dưới nhiều hành vi khác nhau. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 đã quy định các hành vi bạo lực bao gồm:Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng, hành vi Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
– Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng.
– Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.
– Cưỡng ép quan hệ tình dục.
– Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.
– Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình.
Căn cứ thứ hai: Vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng
Để xác định có việc vi phạm quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng dẫn đến việc một bên yêu cầu ly hôn hay không, cần căn cứ vào quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và pháp luật khác có quy định về quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng. Đó có thể là Vi phạm quyền và nghĩa vụ về nhân thân giữa vợ, chồng hoặc quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng. Ví dụ: Các hành vi Vợ hoặc chồng có hành vi phân biệt đối xử, gây bất bình đẳng nghiêm trọng về quyền và nghĩa vụ trong gia đình như việc ăn ở, chăm sóc, nuôi dưỡng con cái, quan hệ với gia đình, họ hàng hai bên; phân biệt đối xử; Hành vi như Vợ hoặc chồng ngoại tình, không chung thủy, chung sống như vợ, chồng với người khác, bỏ mặc không quan tâm chăm sóc lẫn nhau, không cùng nhau chia sẻ và thực hiện công việc gia đình,…
Cả hai căn cứ đều phải khiến tình trạng hôn nhân lâm vào (i)tình trạng trầm trọng, (ii)đời sống chung không thể kéo dài, (iii) mục đích của hôn nhân không đạt được. Từ thực tiễn xét xử và vận dụng hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng quy định của Luật HN&GĐ 2000 quy định như về tình trạng hôn nhân trầm trọng như sau:
(i) Tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:
– Vợ chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hòa giải nhiều lần.
– Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau như: Thường xuyên đánh đập hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hòa giải nhiều lần.
-Vợ chồng không chung thủy với nhau như: Có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình.
(ii) Đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được: phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như hướng dẫn trên hay chưa. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.
(iii) Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn, vui lòng liên hệ trực tiếp với: Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nguyễn Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.