Tổng quan
Các nghĩa vụ chung của người bán là vận chuyển hàng hóa, giao chứng từ liên quan đến hàng hóa và chuyển giao quyền sở hữu về hàng hóa theo đúng quy định của hợp đồng và của Công ước. Công ước cung cấp các quy định bổ sung trong trường hợp không có thỏa thuận trong hợp đồng, liên quan đến việc người bán phải thực hiện những nghĩa vụ này khi nào, ở đâu, và như thế nào.
Công ước cung cấp một số lượng các quy định cụ thể nghĩa vụ của người bán liên quan đến chất lượng hàng hóa. Nhìn chung, người bán phải giao hàng đúng số lượng, chất lượng và mô tả theo hợp đồng, đúng bao bì, đóng gói như hợp đồng yêu cầu. Một bộ phận các quy định đặc biệt quan trọng trong mua bán hàng hóa quốc tế còn liên quan đến nghĩa vụ của người bán giao hàng hóa không bị ràng buộc bởi bất cứ quyền hạn hay yêu sách nào của người thứ ba, bao gồm các quyền dựa trên sở hữu công nghiệp hay sở hữu trí tuệ khác.
Trong mối quan hệ với những nghĩa vụ của người bán liên quan tới chất lượng hàng hóa, Công ước chứa đựng các quy định về nghĩa vụ kiểm tra hàng hóa của người mua. Người mua phải thông báo bất kỳ sự không tương thích nào của hàng hóa với hợp đồng trong khoảng thời gian hợp lý sau khi người mua đã biết hoặc đã phải biết, muộn nhất là hai năm kể từ ngày hàng hóa thực sự được giao đến tay người mua, trừ khi thời hạn này trái ngược với thời hạn bảo hành quy định trong hợp đồng.
Những điểm đáng chú ý
Thời hạn giao hàng
CISG quy định:
“Ðiều 33: Người bán phải giao hàng
a) Ðúng vào ngày giao hàng mà hợp đồng đã quy định, hay có thể xác định được bằng cách tham chiếu vào hợp đồng.
b) Vào bất kỳ thời điểm nào trong khoảng thời gian được hợp đồng ấn định hay có thể xác định được khoảng thời gian giao hàng bằng cách tham chiếu vào hợp đồng, nếu như không thể căn cứ vào các tình tiết để biết ngày giao hàng mà người mua ấn định là ngày nào.
c) Trong trường hợp khác, trong một thời gian hợp lý sau khi hợp đồng được ký kết.”
Theo Điều 33(a) và (b) CISG, người bán phải giao hàng theo quy định trong hợp đồng. Có hai trường hợp được đặt ra: hợp đồng ấn định một ngày/thời điểm giao hàng cụ thể và hợp đồng chỉ xác định một khoảng thời gian cụ thể. Trường hợp đầu, người bán phải giao đúng thời điểm; trường hợp sau, có thể giao tại bất kỳ thời điểm nào trong một khoảng thời gian, trừ khi các tình tiết chỉ ra rằng người mua có quyền chọn ngày giao hàng. Theo Điều 33(c), nếu không thể xác định được thời gian giao hàng bằng hợp đồng hay bất cứ cách nào khác, người bán phải giao hàng trong khoảng thời gian hợp lý sau khi giao kết hợp đồng. Khoảng thời gian hợp lý cần phải được quyết định theo từng trường hợp cụ thể (ví dụ, thời gian cần thiết để sắp xếp việc vận chuyển,…).
Địa điểm giao hàng
Căn cứ vào Điều 31 CISG, nếu các bên không có thỏa thuận nào về địa điểm giao hàng, CISG xác định địa điểm này lần lượt là các nơi như sau:
- Trường hợp 1: nơi người bán giao hàng cho người chuyên chở đầu tiên nếu hợp đồng có quy định việc vận chuyển;
- Trường hợp 2: khi hàng hóa đang được đặt tại một nơi cụ thể, người bán sẽ giao hàng cho người mua tại nơi đó;
- Trường hợp 3: địa điểm kinh doanh của người bán được xác định vào thời điểm giao kết hợp đồng trong những trường hợp khác hai trường hợp đã nêu.
Trường hợp thứ hai được áp dụng khi hội tụ đủ ba điều kiện: (1) hợp đồng không quy định việc chuyên chở hàng hóa, (2) hàng hóa được giao có thể là hàng đặc định hoặc đồng loại, phải được trích ra từ một khối lượng dự trữ xác định hoặc phải được chế tạo hay sản xuất, và (3) các bên phải biết về nơi có hàng hóa đó vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Chuyển giao quyền sở hữu về hàng hóa
Người bán phải chuyển quyền sở hữu hàng hóa được mua bán cho người mua, theo Điều 30 CISG. Vậy trong trường hợp hàng hóa được mua bán đang bị tranh chấp về quyền sở hữu với một bên thứ ba, CISG giải quyết ra sao?
Điều 42.1 CISG đặt ra nghĩa vụ cho người bán phải giao hàng hóa không bị ràng buộc bởi bất kỳ quyền hạn hay yêu sách nào của người thứ ba trên cơ sở quyền sở hữu công nghiệp hay các quyền sở hữu trí tuệ khác; nếu không sẽ vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, để xác định vi phạm thì đi kèm với việc không tuân thủ đó là các điều kiện: người bán biết phải biết hoặc không thể không biết về những quyền hạn hoặc yêu sách liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp hay quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa của người thứ ba vào thời điểm giao kết hợp đồng; các quyền và yêu sách của người thứ ba phải dựa trên quy định của quốc gia được xác định theo CISG; và người mua đã không biết và hoàn toàn có thể không biết về sự hiện hữu của quyền lợi/yêu sách trên, hoặc quyền lợi hay yêu sách không bắt nguồn từ sự kiện người bán đã tuân theo các bản thiết kế kỹ thuật, hình vẽ, công thức hay những số liệu cơ sở do người mua cung cấp. Nếu không thỏa mãn một trong ba điều kiện này, người bán không phải chịu trách nhiệm. Quy định này được đưa ra để đảm bảo quyền sở hữu thực sự của người mua đối với hàng hóa sau khi nhận chuyển giao từ người bán.
Nếu người mua đã biết hoặc phải biết các quyền lợi và yêu sách, thì cần thông báo cho người bán nêu rõ hoặc khiếu kiện trong một khoảng thời gian hợp lý. Trong một vụ việc có liên quan, người mua không thông báo hay khiếu kiện trong khoảng thời gian hợp lý sẽ khó ràng buộc trách nhiệm của người bán.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề này. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, 0912.35.53.53 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email info@hongbanglawfirm.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.