NHÃN HIỆU LÀ GÌ?
Tại khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung 2019 quy định về nhãn hiệu như sau:“Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”. Như vậy, có thể hiểu nhãn hiệu là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá dịch vụ cùng loại được sản xuất hoặc cung cấp bởi các doanh nghiệp khác nhau.Trong đó, các dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu phải là những dấu hiệu có thể nhìn thấy được bao gồm từ, ngữ, cụm từ, logo, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố này thể hiện dưới dạng đen trắng hoặc màu sắc. Ví dụ: Các nhãn hiệu chữ như HONDA, nhãn hiệu logo như logo có hình 3 sọc kẻ của hãng thể thao Adidas, nhãn hiệu số như 333,555…
Có nhiều cách phân loại các nhãn hiệu như:
-Căn cứ theo lĩnh vực: Phân chia nhãn hiệu thành nhãn hiệu dịch vụ và nhãn hiệu hàng hóa.
-Căn cứ vào chức năng: Phân chia thành nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu liên kết và nhãn hiệu chứng nhận.
-Căn cứ vào lượng người dùng nhận biết nhãn hiệu: Phân chia thành Nhãn hiệu thông thường và nhãn hiệu nổi tiếng
ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ NHÃN HIỆU?
Đối với nhãn hiệu thông thường phải thực hiện thủ tục đăng ký để được bảo hộ. Và để được cơ quan có thẩm quyền xem xét và tiến hành bảo hộ thì nhãn hiệu đó phải đặt được một số điều kiện nhất định được quy định tại Mục 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2019, cụ thể:
Điều kiện đầu tiên: Nhãn hiệu phải có tính nhận biết được
Theo Khoản 1 Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2019, điều kiện đầu tiên là “Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc”” Có nghĩa, Nhãn hiệu đó phải được nhận thức, nắm bắt bằng thị giác của con người. Thông qua việc nhìn ngắm, quan sát người tiêu dùng phát hiện ra loại hàng hóa, dịch vụ có gắn nhãn hiệu đó để lựa chọn và phân biệt với các hàng hóa, dịch khác. Để có thể “nhìn thấy được”, nhãn hiệu phải được thể hiện dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình sẽ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó bằng một hay nhiều màu sắc.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, tuy là nhãn hiệu nhìn thấy được nhưng pháp luật quy định dấu hiệu đó không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu vì dấu hiệu đó làm hiểu sai lệch hoặc lừa dối về nguồn gốc, công dụng, giá trị của hàng hóa, dịch vụ. Đó là các trường hợp được quy định tại Điều 73, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2019
+) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước.
+) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép. Ví dụ: Dấu hiệu 5 hình tròn ngũ sắc lồng vào nhau là biểu tượng của Olympic
+) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài. Ví dụ: Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp
+) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận
+) Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.
Về dấu hiệu bị trùng hoặc tương tự thì nghĩa là về cơ bản là không thể hoặc khó nhận ra sự khác biệt về cấu tạo chứa đựng các hình ảnh, ký tự, chữ cái, con số giống như nhãn…và cách thức trình bày các thành phần cấu tạo trên của một nhãn hiệu đã được bảo hộ.
Dấu hiệu bị coi là có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ khi chứa đựng những đặc điểm trùng hoặc tương tự với những đặc điểm của nhãn hiệu đã được bảo hộ bao gồm: cấu tạo, cách phát âm, phiên âm đối với dấu hiệu, chữ, ý nghĩa, cách trình bày, màu sắc dẫn đến việc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.Ví dụ:
+ Dấu hiệu gây nhầm lẫn về cách phát âm: Bánh “Chocobie” hoặc “Chocopai” với nhãn hiệu “Chocopie” đã được bảo hộ.
+ Dấu hiệu gây nhầm lẫn về cấu tạo: nhãn hiệu là hình một quả táo màu đen đầy đủ với nhãn hiệu “quả táo khuyết” của Hãng Apple.
Về hàng hóa trùng hoặc tương tự được coi là hàng hóa, dịch vụ trùng về bản chất, được thể hiện thông qua các yếu tố như: mục đích sử dụng, thành phần hóa học, cấu tạo cơ học…với hàng hóa và công việc cung ứng, cách thức thực hiện công việc với dịch vụ. Hàng hóa, dịch vụ tương tự là hàng hóa dịch vụ có những đặc điểm tương đồng về chức năng, công dụng, kênh phân phối trên thị trường. Ví dụ: sản phẩm nước uống có ga hương Cola được coi là hàng hóa tương tự với sản phẩm nước trái cây ép bởi mục công dụng chính của hai sảm phẩm là để giải khát. Sản phẩm thực phẩm chức năng và các loại thuốc tân dược cũng được coi là hàng hóa tương tự bởi thường được cung cấp ra thị trường thông qua kênh phân phối là các nhà thuốc, cơ sở y tế.
Điều kiện thứ hai: Nhãn hiệu phải có tính phân biệt
Khoản 2 Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2019có quy định điều kiện thứ hai để một nhãn hiệu được bảo hộ là phải có “khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.”
Để có sự rõ ràng hơn trong việc áp dụng pháp luật, các nhà làm luật cũng tiếp tục quy định nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ (Khoản 1 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ 2009) và không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 74 này. Theo đó, khoản 2 lại tiếp tục quy định tới 13 trường hợp sẽ bị coi là một nhãn hiệu không có khả năng phân biệt. Điển hình của một số dấu hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt tự thân có thể kể đến như:
+ Hình và hình hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng, trừ trường hợp các dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu. (Điểm a khoản 2 Điều 74) Ví dụ: AB; hình tròn…
+ Dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hoá, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến. (Điểm b khoản 2 Điều 74)
+ Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hoá, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu. (Điểm c khoản 2 Điều 74). Ví dụ: Đẹp, Ngon, Bổ, Rẻ
Tuy nhiên, Luật Sở hữu trí tuệ cũng thừa nhận khả năng một số dấu hiệu nêu trên có thể dần dần đạt được khả năng phân biệt nhờ quá trình đầu tư tiếp thị và truyền thông của doanh nghiệp. Đây được coi là trường hợp ngoại lệ quy định tại khoản 5 Điều 39 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, đó là là các dấu hiệu có khả năng phân biệt khi được sử dụng với chức năng nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi và đạt được khả năng phân biệt đối với hàng hóa, dịch vụ liên quan. Ví dụ như: nhãn hiệu TCL (chỉ gồm các chữ cái) của một công ty điện tử Trung quốc, nhãn hiệu thuốc lá 555 (chỉ gồm các chữ số), hay các nhãn hiệu “BIA SÀI GÒN” hoặc “VANG ĐÀ LẠT” (tên hàng hóa và địa điểm sản xuất) đã đạt được khả năng phân biệt qua một quá trình sử dụng đến trước thời điểm nộp đơn đăng ký và do vậy, sẽ được chấp nhận bảo hộ. Tuy nhiên, để được áp dụng ngoại lệ này, người nộp đơn phải cung cấp bằng chứng về việc sử dụng một cách rộng rãi nhãn hiệu đó (thời gian bắt đầu sử dụng, phạm vi, mức độ sử dụng hiện nay…, trong đó nhãn hiệu chỉ được coi là “được sử dụng” khi việc sử dụng đó được tiến hành trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, quảng cáo, tiếp thị phù hợp với các quy định của pháp luật. Hơn nữa, bằng chứng về khả năng phân biệt của nhãn hiệu đối với hàng hoá, dịch vụ liên quan của chủ nhãn hiệu. Trong trường hợp này, nhãn hiệu đó chỉ được thừa nhận là có khả năng phân biệt khi được thể hiện ở dạng đúng như dạng mà nó được sử dụng liên tục và phổ biến trong thực tế.
Ngoài ra, đối với nhãn hiệu nổi tiếng, nhãn hiệu nổi tiếng không phải đăng ký bảo hộ mà sẽ được tự động bảo hộ nếu nhãn hiệu đáp ứng đủ các tiêu chí nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định tại Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2019.
Trên đây là các điều kiện để một nhãn hiệu có thể được bảo hộ theo pháp luật Việt Nam. Quý khách hàng tham khảo và xem xét nhãn hiệu mình dự định đăng ký có đáp ứng các điều kiện trên không trước khi nộp đơn tại cơ quan có thẩm quyền. Trong quá trình thực hiện thủ tục, Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn, vui lòng liên hệ trực tiếp với: Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nguyễn Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.