Tổng quát về CISG
Công ước Liên Hiệp Quốc về Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế năm 1980 (CISG) được Uỷ ban Liên Hiệp Quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL) xây dựng với hai mục đích chính:
(i) đảm bảo và gia tăng sự minh bạch về các vấn đề pháp lý, và
(ii) góp phần thúc đẩy sự phát triển thương mại hàng hoá quốc tế.
Peter Schlechtriem (1998) nhận định rằng lịch sử soạn thảo và đàm phán cam go của CISG cho thấy những nỗ lực rất lớn trong việc tạo ra quy phạm thực chất thống nhất điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế bằng việc hài hoà các quy phạm xung đột của các dòng pháp luật chính trên thế giới, đề cao tính chất quốc tế đặc biệt là tuân thủ nguyên tắc “thiện chí” trong thương mại quốc tế. CISG được nhiều chuyên gia và tổ chức đánh giá là một trong những điều ước quốc tế về thương mại thành công nhất từ trước đến nay. Tính đến ngày 26/9/2014 số lượng quốc gia phê chuẩn CISG đã lên đến 83 nước gồm các quốc gia phát triển và đang phát triển, đến từ nhiều hệ thống pháp luật khác nhau. Trong số 10 quốc gia có kim ngạch thương mại hàng hoá lớn nhất trên thế giới năm 2013 thì đã có 9 quốc gia là thành viên CISG, điển hình như các nước Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Pháp. Ở thời điểm hiện tại, ước tính CISG điều chỉnh các giao dịch chiếm khoảng 80% thương mại hàng hoá quốc tế, ghi nhận hơn 3000 vụ tranh chấp phát sinh.
Quy định của CISG
CISG quy định về bất khả kháng tại Điều 79 dưới tiêu đề Exemption (Miễn trách) theo đó “một bên không chịu trách nhiệm về việc không thực hiện bất kì một nghĩa vụ nào đó của họ nếu chứng minh được rằng việc không thực hiện đó là do một trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát của họ và người ta không thể chờ đợi một cách hợp lí rằng họ phải tính tới trở ngại đó vào lúc kí kết hợp đồng hoặc là tránh được hay khắc phục được hậu quả của nó”. Peter Schlechtriem (1998) cho rằng bằng việc dùng thuật ngữ “impediment” (trở ngại) cùng với hàng loạt quy định theo sau đó, CISG quy định chặt chẽ các tiêu chí để một trường hợp bất khả kháng được công nhận miễn trách.
Các tiêu chí để một trường hợp bất khả kháng được công nhận miễn trách
Chỉ những trở ngại nào thực sự đến mức khiến cho việc thực hiện các nghĩa vụ là không thể (impossibile) mới được xem xét, còn những trường hợp tuy có gây hoặc đe doạ gây khó khăn trở ngại đến việc thực hiện nghĩa vụ hoặc chỉ dừng ở mức không khả thi (impracticable) thường có thể sẽ không được xem xét.
Ví dụ, công ty Tsakiroglou và Noblee Thorl GMbH đã thỏa thuận mua bán đậu phộng Sudan giá CIF, tuy nhiên, kênh đào Suez bất ngờ đóng cửa làm cho lộ trình của tàu phải vòng qua Mũi Hảo Vọng. Như vậy, với một lộ trình mới này, Người Mua phải chịu thêm một khoản phí lớn nữa so với dự tính ban đầu, tuy nhiên đây không phải là trường hợp bất khả kháng vì trở ngại này không làm cho việc thực hiện của người mua là không thể thực hiện được. Và quan trọng là một bên không được viện dẫn việc không thực hiện nghĩa vụ của bên kia trong chừng mực mà việc không thực hiện nghĩa vụ đó là do những hành vi hay sơ suất của chính họ (Điều 80). CISG quy định miễn trách cho cả người bán và người mua, đề cập đến tất cả các trường hợp bất khả kháng có thể xảy ra trong việc thực hiện bất cứ nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng.
Về hậu quả pháp lí, theo CISG bên vi phạm chỉ được miễn trách nhiệm phải thực hiện các biện pháp đền bù thiệt hại gây ra bởi sự kiện bất khả kháng, bên bị vi phạm có quyền tiến hành tất cả các biện pháp bảo hộ pháp lí hay chế tài còn lại theo quy định của Công ước bao gồm quyền được yêu cầu giảm giá hàng hoá (Điều 50), buộc thực hiện hợp đồng (Điều 46, Điều 62), tuyên bố huỷ hợp đồng (Điều 49, Điều 64), và thanh toán tiền lãi trên các khoản thanh toán chậm (Điều 78).
Về thời hạn, CISG quy định sự miễn trách chỉ có hiệu lực trong thời kì tồn tại sự kiện khó khăn, trở ngại (Điều 79. 3).
Về nghĩa vụ thông báo, theo CISG bên nào không thực hiện nghĩa vụ của mình thì phải thông báo cho bên kia biết về trở ngại và ảnh hưởng của nó đối với khả năng thực hiện nghĩa vụ. Nếu thông báo không tới tay bên kia trong một thời hạn hợp lý từ khi bên không thực hiện nghĩa vụ đã biết hay đáng lẽ phải biết về trở ngại đó thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do việc bên kia không nhận được thông báo.
Khi nhận dạng tranh chấp về trường hợp bất khả kháng theo CISG, tranh luận của các bên thường xoay quanh các tiêu chí để công nhận một trường hợp là bất khả kháng. Đơn cử như sự kiện trở ngại có phải là nguyên nhân dẫn đến việc không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; thế nào là “nằm ngoài sự kiểm soát” của một bên; thế nào là “khắc phục được” hay “tránh được” sự kiện trở ngại; hay sự “không tiên liệu trước” về những sự kiện như vậy phải được hiểu như thế nào.
Do đặc điểm phức tạp của hoạt động thương mại quốc tế như sự mở rộng về không gian, sự kéo dài về thời gian, sự khác nhau về địa lí, tập quán, quy định của mỗi quốc gia mà khả năng xảy ra những trường hợp bất khả kháng là rất lớn. Bên cạnh đó, do hậu quả pháp lí là được miễn trách và trong nhiều trường hợp có thể thay đổi hoàn toàn vị thế của các bên nên không tránh được khả năng các bên tìm cách lợi dụng trường hợp bất khả kháng để cố gắng giải thoát trách nhiệm khi có những hoàn cảnh bất lợi xảy đến hoặc để trục lợi khi giá cả thị trường thay đổi theo hướng có lợi cho bên mình[1]. Một số hợp đồng được soạn thảo với điều khoản bất khả kháng rất cụ thể chi tiết có thể hạn chế được tranh chấp xảy ra nhưng có rất nhiều hợp đồng thiếu vắng điều khoản quan trọng này.
Tính đến thời điểm ngày 23/1/2015 theo cập nhật tổng hợp của nhóm tác giả từ Hệ thống dữ liệu của CISG tại http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/text/digest-cases-79.html, trong khoảng 145 vụ tranh chấp về trường hợp bất khả kháng theo CISG, chỉ có khoảng 15 vụ là có điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng, chiếm tỷ lệ 10,3%.
[1] Xem UNCITRAL (2012), Digest of Case Law on the United Nations Convention On Contracts For The International Sale Of Goods, tại http://www.uncitral.org/pdf/english/clout/CISG-digest-2012-e.pdf.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề này. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, 0912.35.53.53 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email info@hongbanglawfirm.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.