Văn phòng đại diện công ty nước ngoài là gì?
Theo định nghĩa tại khoản 6 Điều 3 Luật Thương mại 2005, văn phòng đại diện cho công ty nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của công ty nước ngoài đó, được thành lập theo pháp luật Việt Nam nhằm tìm hiểu thị trường và được quyền thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Quy định tại Điều 30, Nghị định 07/2016/NĐ-CP đề cập cụ thể hơn về chức năng của văn phòng đại diện công ty nước ngoài. Theo đó văn phòng đại diện đảm nhận chức năng như văn phòng liên lạc, tìm hiểu thị trường, xúc tiến cơ hội đầu tư kinh doanh của công ty chủ quản.
Điều kiện thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam
- Công ty nước ngoài được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh theo pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ đã tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam cũng là thành viên hoặc được pháp luật của các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận;
- Công ty nước ngoài đã hoạt động tối thiểu 01 năm tính từ ngày được thành lập hoặc đăng ký (Trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc những loại giấy tờ có giá trị tương đương của công ty nước ngoài quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó bắt buộc còn lại từ 01 năm trở lên tính từ ngày nộp hồ sơ);
- Nội dung hoạt động của văn phòng đại diện cho công ty nước ngoài tại Việt Nam phải phù hợp với cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên
(Nếu nội dung hoạt động của văn phòng đại diện không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc công ty nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ đã tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam cũng là thành viên, việc lập văn phòng đại diện cho công ty nước ngoài tại Việt Nam phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành);
Lưu ý: Một quy định đặc biệt mà nhà đầu tư cần lưu ý: một công ty nước ngoài chỉ được lập một Văn phòng đại diện ứng với một tên gọi duy nhất trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều này nghĩa là trong cùng một tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện không cho phép 2 văn phòng đại diện trở lên trùng tên nhau. Nhưng 2 văn phòng đại diện ở 2 tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương khác nhau mang cùng tên gọi sẽ không bị cấm.
Hồ sơ thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam
- Mẫu đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện (do đại diện có thẩm quyền của công ty nước ngoài ký);
- Giấy đăng ký kinh doanh hoặc các loại giấy tờ có giá trị tương đương của công ty nước ngoài (Bản sao, hợp pháp hóa lãnh sự);
- Văn bản cử/ bổ nhiệm người đứng đầu Văn phòng đại diện do công ty nước ngoài soạn thảo và ký xác nhận;
- Các giấy tờ chứng minh sự tồn tại và hoạt động của thương nhân nước ngoài trong năm tài chính gần nhất như: báo cáo tài chính có kiểm toán, văn bản xác nhận tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ tài chính trong năm tài chính gần nhất hoặc các loại giấy tờ có giá trị tương đương do tổ chức có thẩm quyền nơi công ty nước ngoài thành lập cấp hoặc xác nhận (Bản sao);
- Hộ chiếu(nếu là người nước ngoài) / giấy chứng minh nhân dân/ thẻ căn cước công dân (nếu là người Việt Nam) của người đứng đầu văn phòng đại diện (Bản sao);
- Tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở văn phòng bao gồm:
+ Biên bản ghi nhớ/ thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu chứng minh công ty có quyền khai thác, dùng địa điểm đó để đặt trụ sở văn phòng đại diện (Bản sao);
+ Tài liệu (bản sao) về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Văn phòng đại diện đảm bảo an ninh, an toàn vệ sinh lao động, trật tự và các điều kiện khác. Cụ thể văn phòng đại diện không đặt tại căn hộ chung cư vì không đáp ứng chức năng để ở của địa điểm này.
- Các tài liệu có ngoại ngữ khác phải được dịch ra Tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thủ tục thành lập văn phòng đại diện
Công ty nước ngoài chọn nộp hồ sơ bằng 1 trong 3 cách: nộp trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc nộp trực tuyến (nếu đủ điều kiện áp dụng). Hồ sơ gửi đến Cơ quan cấp Giấy phép (Sở Công Thương/ Ban Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao) nơi dự kiến đặt trụ sở Văn phòng đại diện.
Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy phép tiến hành kiểm tra, yêu cầu bổ sung (duy nhất 1 lần) nếu hồ sơ chưa đạt yêu cầu.
Trừ trường hợp nội dung hoạt động của văn phòng không phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, trong 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy phép sẽ tiến hành cấp hoặc không. Nếu không cấp phải nêu rõ lý do vì sao không cấp bằng văn bản.
Trường hợp cần sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành, Cơ quan cấp Giấy phép gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan này trong thời hạn 03 ngày làm việc từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc tiếp theo tính từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của Cơ quan cấp Giấy phép, Bộ quản lý chuyên ngành quyết định đồng ý hoặc không đồng ý cấp phép thành lập Văn phòng đại diện bằng văn bản. Trong thời hạn 05 ngày làm việc sau khi nhận được ý kiến của Bộ quản lý chuyên ngành, Cơ quan cấp Giấy phép quyết định cấp hoặc không (nếu không cấp phải có văn bản nêu rõ lý do).
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Mr Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 24/7: 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.