Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Luật sư phụ trách

Luật sư Nguyễn Đức Trọng
Luật sư tranh tụng

Khái niệm và đặc điểm

Bảo hiểm hàng hải là một sự cam kết bồi thường của người bảo hiểm đối với người được bảo hiểm về những thiệt hại mất mát của đối tượng bảo hiểm do một rủi ro hàng hải đã thỏa thuận gây ra, với điều kiện người được bảo hiểm đã mua bảo hiểm cho đối tượng bảo hiểm đó và nộp một khoản tiền gọi là phí bảo hiểm.

Trong quan niệm về bảo hiểm hàng hải nêu trên, cần lưu ý một số khái niệm sau đây:

  • Người bảo hiểm: Người bảo hiểm có thể là công ty của nhà nước hay của tư nhân, là người nhận trách nhiệm về rủi ro, được hưởng phí bảo hiểm và phải bồi thường khi có tổn thất xẩy ra.
  • Người được bảo hiểm: là người có lợi ích bảo hiểm, là người bị thiệt hại khi rủi ro xẩy ra và được người bảo hiểm bồi thường. Người được bảo hiểm thường là người có sở hữu về đối tượng bảo hiểm, là người phải nộp phí bảo hiểm.
  • Đối tượng bảo hiểm: là tài sản hoặc lợi ích mang ra bảo hiểm. Đối tượng bảo hiểm có thể là: tài sản, con người hoặc trách nhiệm đối với người thứ ba.
  • Rủi ro được bảo hiểm: là rủi ro đã thỏa thuận trong hợp đồng. Người bảo hiểm chỉ bồi thường những thiệt hại do những rủi ro đã thỏa thuận gây ra. Rủi ro trong bảo hiểm hàng hải có nhiều loại. Rủi ro bao gồm thiên tai, tai họa của biển (rủi ro phụ), các tai nạn bất ngờ khác (rủi ro phụ), rủi ro do các hiện tượng chính trị, xã hội hoặc do lỗi của người được bảo hiểm gây nên, rủi ro do bản chất hoặc tính chất đặc biệt của đối tượng bảo hiểm…
  • Phí bảo hiểm: là khoản tiền mà bên mua bảo hiểm phải đóng cho doanh nghiệp bảo hiểm theo thời hạn và phương thức do các bên thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Bảo hiểm hàng hải (Marine Insurance) là gì?

Các nguyên tắc bảo hiểm

Nguyên tắc bảo hiểm một rủi ro chứ không bảo hiểm một sự chắc chắn

Theo nguyên tắc này, người bảo hiểm chỉ nhận bảo hiểm một rủi ro tức là bảo hiểm một sự cố, một tai nạn, tai họa xảy ra một cách bất ngờ, ngẫu nhiên ngoài ý muốn của con người, không bảo hiểm một sự chắc chắn xảy ra, đương nhiên xảy ra, cũng như bảo hiểm chỉ bồi thường những thiệt hại, mất mát do rủi ro xảy ra, không bảo hiểm những thiệt hại chắc chắn xảy ra, đương nhiên xảy ra.

Nguyên tắc mua bảo hiểm trước

Theo nguyên tắc này, người mua bảo hiểm phải thỏa thuận với công ty bảo hiểm để mua bảo hiểm cho hàng hóa theo những điều kiện nhất định trước khi xảy ra tổn thất. Cần lưu ý là công ty bảo hiểm chỉ chấp nhận bảo hiểm rủi ro, không chấp nhận bảo hiểm những gì chắc chắn xảy ra hoặc đã xảy ra. Vì vậy, người mua bảo hiểm phải cung cấp đầy đủ và chính xác những thông tin liên quan đến hàng hóa như loại hàng, số lượng, trị giá, hàng hóa được chở trên tàu nào, tuổi tàu, địa điểm khởi hành, thời gian tàu dự kiến đến cảng chính.

Nguyên tắc trung thực tuyệt đối

Theo nguyên tắc này, hai bên của mối quan hệ bảo hiểm bằng người bảo hiểm và người được bảo hiểm phải tuyệt đối thành thật với nhau, tin tưởng lẫn nhau, không được lừa dối nhau. Trong trường hợp một bên vi phạm nguyên tắc này thì hợp đồng bảo hiểm trở nên không có hiệu lực.

Nguyên tắc này thể hiện:

– Người bảo hiểm phải công khai tuyên bố những điều kiện, nguyên tắc, thể lệ, giá cả bảo hiểm cho người được bảo hiểm biết; không được nhận bảo hiểm khi biết đối tượng bảo hiểm đã đến nơi an toàn. Sau khi xảy ra tai nạn rủi ro bảo hiểm, người bảo hiểm (doanh nghiệp bảo hiểm) phải kịp thời bồi thường chính xác theo đúng phạm vi, trách nhiệm của mình. Chất lượng sản phẩm bảo hiểm có được đảm bảo hay không, phí bảo hiểm có hợp lý hay không, quyền lợi của người được bảo hiểm có được đảm bảo đầy đủ công bằng hay không… chủ yếu dựa vào sự trung thực của người bảo hiểm.

– Người được bảo hiểm phải khai báo chính xác các chi tiết liên quan đến đối tượng bảo hiểm; phải thông báo kịp thời những thay đổi về đối tượng bảo hiểm, về rủi ro, về những mối đe dọa nguy hiểm làm tăng thêm rủi ro,… mà mình biết được hoặc đáng lẽ phải biết cho người bảo hiểm; không được mua bảo hiểm cho đối tượng bảo hiểm khi biết đối tượng bảo hiểm đó đã bị tổn thất.

Nguyên tắc lợi ích bảo hiểm

Theo nguyên tắc này, người được bảo hiểm muốn mua bảo hiểm phải có lợi ích bảo hiểm. Lợi ích bảo hiểm có thể là quyền lợi đã có hoặc sẽ có trong đối tượng bảo hiểm. Trong bảo hiểm hàng hải, lợi ích bảo hiểm không nhất thiết phải có khi ký kết hợp đồng bảo hiểm, nhưng nhất thiết phải có khi xảy ra tổn thất.

Lợi ích của bảo hiểm là lợi ích hoặc quyền lợi liên quan đến sự an toàn hay không an toàn của đối tượng bảo hiểm. Người nào đó có lợi ích bảo hiểm ở trong một đối tượng bảo hiểm nào đó có nghĩa là quyền lợi của người đó sẽ được bảo hiểm nếu đối tượng bảo hiểm đó an toàn và ngược lại quyền lợi của người đó sẽ bị phương hại nếu đối tượng bảo hiểm đó gặp rủi ro. Người bị thiệt hại khi đối tượng bảo hiểm gặp rủi ro có thể là người chủ sở hữu về đối tượng bảo hiểm đó, người chịu trách nhiệm quản lý tài sản hoặc người nhận cầm cố tài sản. Lợi ích bảo hiểm có ý nghĩa to lớn trong hoạt động bảo hiểm. Có lợi ích bảo hiểm mới được ký kết hợp đồng bảo hiểm. Khi xảy ra tổn thất, người được bảo hiểm phải có lợi ích bảo hiểm mới được bồi thường.

Lợi ích bảo hiểm của loại hình bảo hiểm tài sản phải là lợi ích về tiền bạc, nghĩa là giá trị của những vật được bảo hiểm phải tính được thành tiền. Ví dụ, công văn, giấy tờ, sổ sách, biểu đồ, các bản vẽ… khó có thể tính được thành tiền, nên không thể trở thành vật tham gia bảo hiểm tài sản. Ngoài ra, lợi ích bảo hiểm phải là lợi ích hợp pháp và phải có tính xác định.

Nguyên tắc bồi thường

Theo nguyên tắc này, khi có tổn thất xảy ra người bảo hiểm phải bồi thường như thế nào đó để đảm bảo cho người được bảo hiểm có vị trí tài chính như trên khi có tổn thất xẩy ra. Các bên không được lợi dụng bảo hiểm để trục lợi.

Nguyên tắc thế quyền

Nguyên tắc thế quyền là một nguyên tắc quan trọng trong hoạt động bảo hiểm. Hầu hết các hợp đồng bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm đều chứa đựng các điều khoản thế quyền.

Theo nguyên tắc này, người bảo hiểm, sau khi bồi thường cho người được bảo hiểm, có quyền thay mặt người được bảo hiểm để đòi người thứ ba có trách nhiệm bồi thường cho mình. Để thực hiện được nguyên tắc này, người được bảo hiểm phải cung cấp các biên bản, giấy tờ, chứng từ, thư từ,… cần thiết cho người bảo hiểm.

Nguyên tắc thế quyền được luật pháp bảo hiểm của các nước thừa nhận một cách rộng rãi. Hợp đồng bảo hiểm tài sản về thực chất là hợp đồng có tính chất bồi thường tổn thất, số tiền người được bảo hiểm bồi thường không được vượt quá lợi ích bảo hiểm của họ. Nếu khi đối tượng bảo hiểm bị tổn thất do rủi ro xảy ra và rủi ro này là do người thứ ba gây ra, người được bảo hiểm có thể đòi người thứ ba bồi thường, đồng thời lại nhận tiền bảo hiểm từ phía doanh nghiệp bảo hiểm, thì cùng một lúc người được bảo hiểm đã được bồi thường gấp đôi tổn thất. Điều này trái với tính chất bồi thường của hợp đồng bảo hiểm là khắc phục rủi ro tổn thất xảy ra. Vì vậy, sau khi nhận được tiền bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm, người được bảo hiểm phải chuyển quyền đòi bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề này. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, 0912.35.53.53 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: info@hongbanglawfirm.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!

Công ty Luật Hồng Bàng./.