HÀNH VI NÀO ĐƯỢC COI LÀ PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG?
Điều 22 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về phòng vệ chính đáng như sau:
“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2.Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”
Để được coi là một hành vi phòng vệ chính đáng, hành vi đó phải đáp ứng những điều kiện sau:
Thứ nhất, những điều kiện thuộc về hành vi tấn công:
– Hành vi xâm phạm các lợi ích hợp pháp mà người phòng vệ chính đáng chống trả lại phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi bất hợp pháp. Hành vi nguy hiểm cho xã hội là hành vi được Luật Hình sự quy định, gồm hành vi phạm tội hoặc hành vi nguy hiểm khác như hành vi của người không đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Hành vi nguy hiểm mà người phòng vệ chính đáng chống trả lại phải là hành vi của con người cụ thể chứ không phải là hành vi của súc vật. Người phòng vệ chính đáng có quyền chống trả lại mọi hành vi xâm phạm lợi ích hợp pháp, kể cả hành vi của tội phạm và hành vi nguy hiểm khác của người không đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
– Hành vi xâm phạm lợi ích hợp pháp phải đang diễn ra, phải có thật chứ không phải suy đoán tưởng tượng, hành vi ấy ai trông thấy cũng nhận biết được. Về mặt thời gian, hành vi nguy hiểm đang diễn ra là hành vi đang ở thời hiện tại chứ không phải hành vi trong quá khức hoặc hành vi tương lai mới xảy ra. Người gây thiệt hại cho người khác khi hành vi xâm phạm lợi ích hợp pháp chưa bắt đầu không được thừa nhận là phòng vệ chính đáng
Thứ hai, những điều kiện thuộc về hành vi phòng vệ:
– Hành vi phòng vệ phải chống trả lại, phải loại trừ hành vi nguy hiểm của chính người đang xâm phạm lợi ích hợp pháp. Người phòng vệ không được chống trả, gây thiệt hại cho người khác mà chỉ được chống trả hành vi của người đang tấn công. Quy định này đòi hỏi tính thận trọng của người phòng vệ, nhất là khi sử dụng vũ khí.
– Hành vi phòng vệ chính đáng phải là hành vi chống trả hành vi xâm phạm lợi ích hợp pháp ở mức độ cần thiết. Mức cần thiết được hiểu là mức độ vừa đủ mạnh, loại trừ được hành vi nguy hiểm cho xã hội đang xâm phạm lợi ích hợp pháp. Mức độ cần thiết là mức độ mà khi xem xét tương quan lực lượng giữa bên phòng vệ và bên có hành vi nguy hiểm thấy rằng thiệt hại do người phòng vệ gây ra là vừa phải. Người phòng vệ có quyền sử dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn ngừa hành vi xâm phạm lợi ích hợp pháp, có thể gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe cho người tấn công, miễn rằng tương quan lực lượng và hoàn cảnh cụ thể cho thấy đây là mức độ vừa đủ sức mạnh loại trừ nguồn nguy hiểm.
VƯỢT QUÁ GIỚI HẠN PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG CÓ PHẢI BỒI THƯỜNG KHÔNG?
Như vậy theo quy định tại Điều 22 BLHS, phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của nhà nước, của tập thể, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả lại một cách tương xứng người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Người có hành vi phòng vệ chính đáng không bị coi là tội phạm. Chỉ khi hành vi chống trả rõ ràng là quá mức cần thiết thì người có hành vi đó mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết là hành vi không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Đây là trường hợp do đánh giá sai tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại mà người phòng vệ đã lựa chọn phương tiện hoặc phương pháp gây ra thiệt hại là quá mức cần thiết cho người xâm hại, trong khi không cần thiết phải gây thiệt hại như vậy.
Trong luật dân sự, nguyên tắc bồi thường thiệt hại cũng được xác định dựa trên yếu tố “phòng vệ chính đáng” hay “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”. Theo quy định tại Điều 594 Bộ luật Dân sự 2015 thì người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn, vui lòng liên hệ trực tiếp với: Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nguyễn Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.