Căn cứ pháp lý
- Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO (SCM);
- Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2017;
- Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại (“Nghị định số 10/2018/NĐ-CP);
- Thông tư số 06/2018/TT-BCT ngày 20 tháng 4 năm 2018 quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại (“Thông tư số 06/2018/TT-BCT”).
Đối tượng thực hiện
Tổ chức, cá nhân đại diện cho ngành sản xuất trong nước có quyền nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (sau đây gọi là “Bên yêu cầu”) trong trường hợp nhận thấy hàng hóa nhập khẩu bị bán phá giá gây ra thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước. Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ cần đáp ứng các yêu cầu về tính đại diện nêu tại Mục 3 dưới đây.
Trong trường hợp không có Bên yêu cầu nhưng có dấu hiệu rõ ràng về việc hàng hóa bị bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước, Cơ quan điều tra tiến hành lập Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá để trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét quyết định điều tra. Tuy nhiên, trong thực tiễn tại Việt Nam cũng như trên thế giới, trường hợp Cơ quan điều tra tự lập Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp gần như không có.
Tính đại diện của bên yêu cầu
Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp được coi là đại diện cho ngành sản xuất trong nước khi đáp ứng đủ 02 điều kiện sau đây:
(a) Tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự được sản xuất của các nhà sản xuất trong nước nộp hồ sơ và các nhà sản xuất trong nước ủng hộ việc yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp phải lớn hơn tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự được sản xuất của các nhà sản xuất trong nước phản đối việc yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp;
(b) Tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự được sản xuất của các nhà sản xuất trong nước nộp hồ sơ và các nhà sản xuất trong nước ủng hộ việc yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp chiếm ít nhất 25% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự được sản xuất của ngành sản xuất trong nước.
Ngành sản xuất trong nước là tập hợp các nhà sản xuất hàng hóa tương tự trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam hoặc đại diện của họ chiếm tỷ lệ chủ yếu trong tổng sản lượng hàng hóa của ngành đó được sản xuất trong nước. Trong trường hợp nhà sản xuất trong nước trực tiếp nhập khẩu hàng hóa bị điều tra hoặc có mối quan hệ với các nhà xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa bị điều tra thì nhà sản xuất này có thể không được xem là nhà sản xuất trong nước.
Khối lượng, số lượng hàng hóa sản xuất chiếm ít nhất 50% tổng khối lượng, số lượng hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất ở trong nước được coi là chiếm tỷ lệ chủ yếu trong tổng sản lượng hàng hóa của ngành sản xuất trong nước.
Điều kiện áp dụng biện pháp chống trợ cấp
Biện pháp chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam là biện pháp được áp dụng trong trường hợp:
(a) Hàng hóa được xác định có trợ cấp có thể áp dụng biện pháp chống trợ cấp và mức trợ cấp được xác định cụ thể, trừ trường hợp nhà sản xuất, xuất khẩu ở các nước phát triển có mức trợ cấp không vượt quá 1% giá xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam, nhà sản xuất hoặc xuất khẩu ở các nước đang phát triển có mức trợ cấp không vượt quá 2% giá xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam và nhà sản xuất hoặc xuất khẩu ở các nước kém phát triển có mức trợ cấp không vượt quá 3% giá xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam;
(b) Có thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể đối ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước; và
(c) Tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trợ cấp hàng hóa nhập khẩu và thiệt hại/đe dọa thiệt hại/ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
Trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ một nước đang phát triển có khối lượng hoặc số lượng không vượt quá 4% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam và tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa có xuất xứ từ các nước đang phát triển đáp ứng điều kiện trên không vượt quá 9% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam thì các nước này được loại khỏi phạm vi áp dụng biện pháp chống trợ cấp.
Các hành vi trợ cấp có thể bị áp dụng biện pháp chống trợ cấp
Xin lưu ý không phải tất cả các loại trợ cấp đều có thể áp dụng biện pháp chống trợ cấp. Trợ cấp có thể bị áp dụng biện pháp chống trợ cấp phải thỏa mãn 03 yếu tố sau đây:
- Là sự đóng góp của chính phủ hoặc bất kỳ tổ chức công nào ở quốc gia có hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam;
- Đem lại lợi ích cho tổ chức, cá nhân nhận trợ cấp; và
- Mang tính riêng biệt.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề này. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, 0912.35.53.53 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email info@hongbanglawfirm.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.