Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Kinh doanh giống thủy sản là ngành nghề kinh doanh nằm trong danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục IV Luật đầu tư 2020. Cùng tìm hiểu quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh giống thủy sản nhé!

Căn cứ pháp lý

– Luật thủy sản 2017;

– Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật thủy sản;

– Thông tư 26/2018/TT-BNNPTNT quy định vè quản lý giống thủy sản, thứ ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

Quy định về giống thủy sản

Khái niệm giống thủy sản

Điều 3 Luật thủy sản 2017 quy định:

Giống thủy sản là loài động vật thủy sản, rong, tảo dùng để sản xuất giống, làm giống cho nuôi trồng thủy sản, bao gồm bố mẹ, trứng, tinh, phôi, ấu trùng, mảnh cơ thể, bào tử và con giống.

Giống thủy sản thuần chủng là giống thủy sản có tính ổn định về di truyền và năng suất, giống nhau về kiểu gen, kiểu hình.

Ương dưỡng giống thủy sản là việc nuôi ấu trùng thủy sản qua các giai đoạn phát triển, hoàn thiện thành con giống.

Quản lý giống thủy sản

Giống thủy sản trước khi lưu thông trên thị trường phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

– Thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam (quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP);

– Được công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy theo quy định;

– Có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng;

– Được kiểm dịch theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giống thủy sản; quy định về thời hạn sử dụng giống thủy sản bố mẹ và Hướng dẫn kiểm tra về điều kiện của cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; chất lượng giống thủy sản (quy định cụ thể tại Thông tư 26/2018/TT-BNNPTNT)

Điều kiện kinh doanh giống thủy sản

Điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản

Điều 24 Luật thủy sản quy định Tổ chức, cá nhân sản xuất giống thủy sản được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

– Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất phù hợp với loài thủy sản; có nơi cách ly theo dõi sức khỏe giống thủy sản mới nhập:

+ Hệ thống xử lý nước cấp, nước thải và hệ thống ao, bể, lồng bè bảo đảm yêu cầu kiểm soát chất lượng và an toàn sinh học; khu chứa trang thiết bị, nguyên vật liệu bảo đảm yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, nhà cung cấp; khu sinh hoạt bảo đảm tách biệt với khu vực sản xuất, ương dưỡng;

+ Trang thiết bị bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học; thiết bị thu gom và xử lý chất thải không ảnh hưởng xấu đến khu vực sản xuất, ương dưỡng.

– Có nhân viên kỹ thuật được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học;

– Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học: Phải xây dựng và áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, kiểm soát an toàn sinh học bao gồm các nội dung theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Nghị định 26/2019/NĐ-CP;

– Trường hợp sản xuất giống thủy sản bố mẹ phải có giống thủy sản thuần chủng hoặc giống thủy sản được công nhận thông qua khảo nghiệm hoặc kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản

Thẩm quyền cấp:

– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản đối với giống thủy sản bố mẹ;

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản trên địa bàn

Trình tự, thủ tục

Điều 21 Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định về trình tự cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản như sau:

– Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền, hồ sơ bao gồm:

+ Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản (theo Mẫu số 01.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định);

+ Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, kỹ thuật của cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản (theo Mẫu số 02.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định).

– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra điều kiện của cơ sở theo:

+ Trường hợp không đáp ứng điều kiện, cơ sở thực hiện khắc phục; sau khi khắc phục có văn bản thông báo đến cơ quan có thẩm quyền để tổ chức kiểm tra nội dung đã khắc phục.

+ Trường hợp cơ sở đáp ứng điều kiện, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận. Trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!

Công ty Luật Hồng Bàng./.