Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Thành lập công ty (doanh nghiệp) là một trong những vấn đề pháp lý quan trọng hàng đầu trong hệ thống pháp luật về doanh nghiệp, thương mại, đầu tư. Tuy nhiên hoạt động doanh nghiệp hiện nay đang có những biểu hiện, diễn biến phức tạp do hành vi gian dối của các chủ thể đăng kí, dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng.

Cơ sở pháp lý

  • Luật Doanh nghiệp năm 2020.
  • Luật Quản lý thuế năm 2019.
  • Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
  • Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn
  • Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
  • Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Thành lập công ty nhưng không hoạt động được hiểu như thế nào?

Đây là trường hợp mà một cá nhân hay tổ chức hoặc một số cá nhân, tổ chức cùng nhau thành lập một công ty, sau khi làm xong thủ tục thành lập doanh nghiệp, đã có tư cách pháp nhân nhưng công ty đó lại không thực hiện kinh doanh của công ty.

Hay nói cách khác, công ty được thành lập mà không có bất cứ hoạt động sản xuất, kinh doanh gì. Chủ sở hữu hay những người đồng thành lập công ty không có ý định hoạt động, kinh doanh với tư cách pháp nhân của công ty để sinh lợi nhuận.

Nguyên nhân vì sao thành lập công ty nhưng lại không hoạt động kinh doanh

Nguyên nhân chủ quan

Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến là xuất phát từ mục tiêu ban đầu của những người sáng lập công ty. Mục đích của những người thành lập doanh nghiệp này không quan tâm trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của công ty mà thay vào đó, họ lập công ty để đáp ứng các mục tiêu khác như vay vốn ngân hàng, tham gia đấu thầu, ký kết hợp đồng thời vụ, đáp ứng các yêu cầu pháp lý khác, hoặc “chọn ngày đẹp” để thành lập công ty nhưng chưa có sự sẵn sàng trong hoạt động kinh doanh, v.v…

Nguyên nhân khác, đó là việc quyết định thành lập công ty không đúng thời điểm. Nhiều người quyết định “bắt đầu làm chủ” mà chưa sẵn sàng, cũng từ đó, họ thiếu kiến thức về quản lý doanh nghiệp, tài chính, và kế toán. Chưa có một lượng khách hàng đáng kể hoặc ổn định và họ còn thiếu cơ sở về chiến lược kinh doanh, dự án dài hạn. Bên cạnh đó, việc thiếu vốn và mối quan hệ quan trọng cũng đóng vai trò quan trọng trong tình trạng này.

Do đó, việc hấp tấp, nôn nóng thành lập công ty mà không biết hoạt động kinh doanh ra sao đã dẫn đến tình trạng công ty được thành lập nhưng không biết cách phát triển kinh doanh, việc công ty đó chỉ tồn tại trên giấy tờ nhưng không hoạt động thực tế.

Nguyên nhân khách quan

Yếu tố nguyên nhân khách quan nên xem xét khi nói đến việc thành lập một công ty nhưng không hoạt động kinh doanh là tình hình thị trường.

Tình hình thị trường luôn đòi hỏi sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp với nhau. Những doanh nghiệp yếu thế, thiếu năng lực sẽ dễ dàng bị loại bỏ và rất khó để có thể cạnh tranh trong cuộc chơi kinh doanh dài hạn.

Một số doanh nghiệp này thường không có khả năng giải quyết các thách thức kinh doanh khi các chi phí hàng năm vượt quá lợi nhuận thu về. Họ không tìm được cách giải quyết bài toán phức tạp của kinh doanh và quyết định không hoạt động kinh doanh nữa. Tình trạng này làm tăng thêm sự hiện diện của các công ty được thành lập nhưng không hoạt động trên thực tế.

Hậu quả pháp lý khi thành lập công ty không hoạt động

Trường hợp công ty chưa góp đủ vốn thành lập nhưng không thông báo giảm vốn

Theo Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc thanh toán cổ phần đã đăng ký mua khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, theo đó, hết thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà có cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua thì công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày.

Xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 122/2021/NĐ-CP

Khi hết thời hạn đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ như trên, nếu công ty không tiến hành đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ theo quy định thì có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP như sau:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đảm bảo số lượng thành viên, cổ đông theo quy định.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

  • Không thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập theo quy định tại cơ quan đăng ký kinh doanh khi đã kết thúc thời hạn góp vốn và hết thời gian điều chỉnh vốn do thành viên, cổ đông sáng lập không góp đủ vốn nhưng không có thành viên, cổ đông sáng lập nào thực hiện cam kết góp vốn;
  • Cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.

Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn;

Đối với công ty không hoạt động tại trụ sở đã đăng ký trước đó

Theo điểm d khoản 2 Điều 39 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về các trường hợp bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế, theo đó, cơ quan thuế sẽ tiến hành xác minh tình trạng hoạt động của doanh nghiệp và xác định doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, sau một thời hạn nhất định, cơ quan thuế sẽ thực hiện đóng mã số thuế của doanh nghiệp.

Hành vi không kê khai lệ phí môn bài

Lệ phí môn bài hay lệ phí môn bài là thuế kinh doanh của tổ chức và cá nhân kinh doanh thường xuyên hoặc buôn từng chuyến hàng đều phải nộp. Nghĩa vụ kê khai lệ phí môn bài phát sinh trong năm thứ hai sau khi thành lập công ty.

Việc chậm nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 22 Nghị định 109/2013/NĐ-CP, chi tiết tại Điều 22 quy định như sau:

“1. Phạt cảnh cáo trong trường hợp vi phạm lần đầu đối với hành vi đăng ký, kê khai chậm thời hạn theo quy định pháp luật phí, lệ phí.

  1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp vi phạm từ lần thứ hai trở đi đối với hành vi đăng ký, kê khai chậm thời hạn theo quy định pháp luật phí, lệ phí.
  2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi khai không đúng, khai không đủ các khoản mục quy định trong các tờ khai thu, nộp phí, lệ phí hay trong tài liệu kế toán để cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.
  3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký, kê khai thu, nộp phí, lệ phí với cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.”

Hành vi không kê khai thuế

Căn cứ theo Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì hành vi không kê khai thuế do chậm nộp hồ sơ có mức xử phạt nhẹ nhất là phạt cảnh cáo với số ngày nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ; mức phạt nặng nhất là 15.000.000 VNĐ – 25.000.000 VNĐ khi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế.

Đối với công ty không thông báo hoạt động tạm dừng

Đầu tiên về xử lý vi phạm hành chính, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi đã tạm ngừng kinh doanh (tức đã thành lập doanh nghiệp nhưng không hoạt động) nhưng:

  • Không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh về thời điểm và thời hạn tạm dừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh.
  • Hoặc không thông báo không đúng thời hạn với cơ quan đăng ký kinh doanh về thời điểm và thời hạn tạm dừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh.

Đồng thời, doanh nghiệp buộc gửi thông báo về thời điểm và thời hạn tạm dừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong trường hợp không thông báo đối với hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, theo khoản 3 Điều 75 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, nếu như thành lập doanh nghiệp mà không hoạt động kinh doanh, đồng thời không đăng ký tạm ngừng hoạt động trong vòng 01 năm, thì trước hết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp đến giải trình và thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh. Sau đó, trong 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn hẹn, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ lập tức ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nếu như:

  • Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không đến Phòng Đăng ký kinh doanh giải trình; hoặc,
  • Nội dung giải trình từ phía doanh nghiệp không được Phòng Đăng ký kinh doanh chấp thuận do hành vi phạm pháp, do pháp luật không quy định (ví dụ doanh nghiệp đưa ra lý do ngừng kinh doanh vì dịch bệnh, tuy nhiên, loại bệnh đó không thuộc các nhóm bệnh truyền nhiễm được Nhà nước công bố dịch theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm).

Đồng thời, một khi doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp buộc phải giải thể doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không tiến hành thủ tục giải thể đối với doanh nghiệp thuộc các trường hợp bắt buộc giải thể.

Cần phải làm gì khi thành lập công ty nhưng không hoạt động kinh doanh?

Giải pháp trước mắt

Nếu trong khoảng một thời gian ngắn nhất định không kinh doanh, công ty có thể làm thủ tục tạm ngừng kinh doanh Để tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp cần nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh lên sở Kế hoạch Đầu tư cấp tỉnh/thành phố. Khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định:

“Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.”

Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, nếu doanh nghiệp có nhu cầu hoạt động trở lại thì doanh nghiệp sẽ nộp thông báo hoạt động trở lại lên cơ quan đăng ký kinh doanh.

Giải pháp lâu dài

Công ty có thể tìm kế hoạch, hướng đi kinh doanh lâu dài. Sẵn sàng, chuẩn bị ứng phó với những khó khăn mà công ty có thể gặp phải khi tìm hướng đi kinh doanh.

Tuy nhiên, nếu công ty không có khả năng và cũng không còn muốn duy trì việc kinh doanh với tư cách công ty, thủ tục cần làm là giải thể doanh nghiệp. Cần tránh tình trạng “bỏ không” công ty, không làm thủ tục giải thể hay các nghĩa vụ liên quan bởi nếu sau này muốn khôi phục lại hoạt động hoặc giải thể, công ty sẽ phải hoàn thành trước tiên về nghĩa vụ thuế còn nợ và hoàn thành đóng phạt vi phạm hành chính còn sót lại.

Trên đây là tư vấn của Luật Hồng Bàng. Trong trường hợp quý khách hàng cần thêm thông tin chi tiết về cách tiếp cận dịch vụ, vui lòng liên hệ Luật sư Trọng qua số điện thoại (+84) 912356575 hoặc địa chỉ hòm thư điện tử: lawyer@hongbanglawfirm.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!